Cứu môi trường Hà Nội: Các đề án, dự án phải được triển khai sớm

Cập nhật: 03/12/2010
Chiều 29/11, tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã diễn ra Hội thảo "Thực trạng và giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường ở một số địa phương trên địa bàn". Lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội cùng đại diện Ban Tuyên giáo đã cùng nhau tìm cách cứu môi trường Hà Nội.

Tại Hội thảo, đại diện các quận, huyện nêu những bức xúc, thực trạng về hiện trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Đại diện Ban Tuyên giáo Quận ủy Hà Đông cho biết, có hai con sông Nhuệ - Đáy chảy qua địa bàn quận, nhưng không thể biết được nước sông màu gì, vì môi trường nước sông ô nhiễm nghiêm trọng. Môi trường không khí lại bị ô nhiễm do ảnh hưởng của đô thị hóa và công nghiệp hóa. Hầu hết các làng nghề và một số nhà máy không có hệ thống xử lý nước thải. Các mẫu nước thải tại các khu vực làng nghề, cơ sở y tế và một số các cơ sở sản xuất công nghiệp đều bị ô nhiễm nghiêm trọng.

"Không biết nước sông màu gì?"

Cán bộ Ban Tuyên giáo Quận ủy Hoàng Mai ví von: "Tất cả các dòng sông đều chảy về quận Hoàng Mai. Sau mùa mưa bão, khi các quận, huyện khác đã khô ráo thì Hoàng Mai vẫn còn ngập trong nước".

Huyện Phú Xuyên lại trăn trở về ô nhiễm nguồn nước ở các làng nghề. Nước dùng để mài chai, ngâm gỗ rồi lại được đổ ra cống rãnh của thôn làng, không qua xử lý. "Trời không mưa nhưng phải đi ủng khi ra đường" -một cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Phú Xuyên bày tỏ.

Bà Nguyễn Thanh Hà - Ban Tuyên giáo Thị ủy Sơn Tây bức xúc khi các phòng khám thường xuyên đổ rác thải y tế vào cùng rác thải sinh hoạt, gây nguy cơ tiềm ẩn về môi trường và gây bệnh tật. Một số xã (Thanh Mỹ, Xuân Sơn, Cổ Đông, Kim Sơn) chưa có tổ thu gom rác thải nên rác chưa được thu gom tập trung, xử lý theo quy định, gây ô nhiễm môi trường.

Giải pháp nào?

Để cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn, ông Phạm Văn Khánh - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho rằng, trước mắt, các quận, huyện tiếp tục tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường với sự tham gia của cộng đồng; xây dựng các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật và quy hoạch môi trường; nâng cao năng lực thẩm định báo cáo, đánh giá tác động môi trường. Bên cạnh đó, "cần tăng cường hoạt động kiểm soát ô nhiễm, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về môi trường; tập trung xử lý các bức xúc về ô nhiễm môi trường, xây dựng và triển khai các đề án, dự án bảo vệ môi trường" - ông Khánh nhấn mạnh. Đưa ra giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường, cán bộ tuyên giáo Ba Vì đề xuất ý kiến in 20.000 tờ rơi truyên truyền về môi trường, trực tiếp phát cho người dân khu vực này.

Bà Nguyễn Thanh Hà (Sơn Tây) lại mong muốn được tổ chức cuộc thi viết về đề tài môi trường trong các trường học và tổ chức sân khấu hóa các hoạt động tuyên truyền về môi trường trên địa bàn. Đây cũng là ý kiến, giải pháp hay trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức môi trường, được lãnh đạo Sở TN&MT hoan nghênh. Ông Phạm Văn Khánh - Phó Giám đốc Sở TN&MT hứa, Sở sẽ làm "nhà tài trợ" cho các giải pháp này và có thể chọn Sơn Tây làm điểm.

Ông Nguyễn Khả Hùng - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị các quận, huyện phải có động thái cụ thể và tăng cường hơn nữa công tác truyền thông về chủ đề môi trường, tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân, các địa bàn phường, xã, thị trấn.

 

Nguồn: www.monre.gov.vn