Tới dự và phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam khẳng định quyết tâm, cam kết và sự hợp tác đầy đủ của Việt Nam với các quốc gia thành viên khác trong việc thực hiện Hiệp định Mekong 1995 và những cam kết trong Tuyên bố Hua Hin để cùng nhau hướng tới mục tiêu chung là phát triển bền vững lưu vực sông Mekong.
Phó Thủ tướng cũng kêu gọi cộng đồng các đối tác chiến lược, các quốc gia và tổ chức quốc tế tiếp tục sát cánh cùng hỗ trợ tích cực Ủy hội nhằm đạt được các nhiệm vụ đặt ra đối với Ủy hội.
Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, bày tỏ niềm vui mừng nhận được báo cáo của các nước thành viên Ủy hội về các kết quả bước đầu trong việc thực hiện các cam kết của Tuyên bố Hua Hin và nêu rõ, các nước thành viên của Ủy hội rất coi trọng các tín hiệu tích cực từ các quốc gia đối thoại của Ủy hội, đặc biệt là mức độ cam kết và các hoạt động hợp tác mạnh mẽ của Trung Quốc và sự mong muốn của Myanmar gia nhập Ủy hội, cũng như việc các nhà lãnh đạo các quốc gia ASEAN tại các Hội nghị Cấp cao ASEAN năm 2010 đã thảo luận nhiều nội dung liên quan đến thúc đẩy phát triển bền vững, bảo vệ môi trường tự nhiên và nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu ở Lưu vực sông Mekong.
Các sáng kiến hợp tác Mekong-Mỹ, Mekong-Nhật Bản đã bước đầu được triển khai. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Những thành quả nêu trên có được là nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên, sự hỗ trợ của các đối tác chiến lược, của cộng đồng quốc tế và những nỗ lực của Ban Thư ký Ủy hội.
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải hoan nghênh những hoạt động tăng cường hợp tác của các nước đối thoại Trung Quốc và Myanmar, đồng thời đánh giá cao các đối tác quốc tế về sự hỗ trợ nhiệt tình và liên tục dành cho Ủy hội.
Lưu vực sông Mekong đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn đe dọa tới các nguồn tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên nước, ảnh hưởng tới nguồn sinh kế và sự sống của hàng chục triệu người dân trong lưu vực. Vì vậy, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị Hội đồng Ủy hội tập trung vào các giải pháp phát triển bền vững tài nguyên nước nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái và cuộc sống của hàng triệu cư dân phía hạ du, mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác chiến lược.
Tại phiên họp, Tiến sĩ Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Ủy hội sông Mekong của Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Ủy hội nhiệm kỳ 2010/2011 cho biết, tham dự hội nghị lần này, ngoài bốn nước Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan còn có đoàn đại biểu của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Liên bang Myanmar, điều này thể hiện mối quan tâm chung cũng như sự lạc quan mạnh mẽ về tương lai vùng Hạ lưu vực Mekong.
Hiện nay, quá trình hợp tác với các đối tác đối thoại đang được tăng cường mạnh mẽ, các chuyến thăm và làm việc tới Trung Quốc và Myanmar đã được tổ chức nhằm mở rộng quan hệ hợp tác, đặc biệt là tìm hiểu khả năng gia nhập của Myanmar vào Ủy hội sông Mekong trong thời gian tới.
Hiện nay, vấn đề biến đổi khí hậu trong lưu vực cũng là mối quan tâm rất lớn, đặc biệt là vấn đề nước biển dâng và xâm nhập mặn ở Châu thổ Mekong không chỉ tác động đến các ngành nông nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản từ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống mưu sinh của người dân.
Vì vậy, ưu tiên hàng đầu của Ủy hội là tập trung lồng ghép các khía cạnh liên quan đến biến đổi khí hậu vào quá trình quy hoạch của tất cả các ngành liên quan. Sáng kiến Thích ứng biến đổi khí hậu của Ủy hội sẽ hỗ trợ chính phủ các nước trong Hạ lưu Mekong thông qua hợp tác, trao đổi học hỏi về thích ứng, lập kế hoạch và thực hiện.
Trong phiên họp, nhiều nội dung được đưa ra bàn thảo như tiến độ thực hiện Tuyên bố Hua Hin bao gồm hợp tác với các đối tác đối thoại và đối tác vùng; thông qua chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước; thông tin về đánh giá môi trường chiến lược về các công trình thủy điện dòng chính và thông báo liên quan của Lào.
Đặc biệt, Thủ tục Chất lượng nước của Ủy hội sông Mekong quốc tế cũng được ký kết chính thức tại phiên họp. Đây là một bước đi quan trọng trong hỗ trợ các nỗ lực trong vùng đảm bảo chất lượng nước và ứng phó kịp thời với các rủi ro liên quan lưu vực sông Mekong./.