Theo Tổ chức này, việc bảo vệ và phát triển rừng sẽ giúp nhân loại thực hiện được một số mục tiêu quan trọng nhất của mình như giảm đói nghèo, hạn chế quá trình biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Trước sự kiện này, trả lời phóng viên Vietnam+, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên-Môi trường Việt Nam cho biết: "Kể từ năm 1992, các quốc gia trên thế giới đã có một cam kết chung về bảo vệ rừng, và vì vậy, đến thời điểm này đã qua 20 năm vấn đề về rừng trên toàn cầu dường như đã bị lãng quên. Tôi cho rằng, Liên Hợp Quốc quyết định chính thức lấy năm 2011 làm Năm của rừng toàn cầu tuy hơi muộn nhưng rất cần thiết.
Đối với Việt Nam, bảo vệ và phát triển rừng là một trong những yếu tố quan trọng tiên quyết về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Với những nỗ lực bảo vệ rừng trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định, song vẫn là khiêm tốn trước nguy cơ tài nguyên rừng ngày càng cạn kiệt."
Ông Sinh cũng khẳng định: "Sự kiện lấy năm 2011 là Năm của rừng toàn cầu sẽ là cơ hội vàng cho Việt Nam thêm lần nữa có những kế hoạch, hành động cấp thiết, quyết liệt để bảo vệ rừng và hệ sinh thái như: tăng ngân sách tái tạo rừng; quy định lại về độ che phủ; đối mới chính sách giao rừng, trồng rừng và nâng cao chế tài pháp lý xử phạt về hành vi phá rừng, săn bắt động vật hoang dã... Những nhà môi trường, cơ quan chức năng sẽ cùng ngồi lại, nhìn lại những gì Việt Nam đã làm được 20 năm qua về công tác, chế tài bảo vệ rừng. Từ đó sẽ đúc rút được những kinh nghiệm và biện pháp phù hợp."
Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế IUCN chỉ ra rằng: "Năm của rừng 2011 là một ngày hội toàn thế giới, thể hiện vai trò trung tâm của mọi công dân trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng của chúng ta. Không khí chúng ta thở, lương thực, nước, thuốc thang cần thiết để chúng ta tồn tại, mọi sự sống trên Trái đất, khí hậu hiện tại và tương lai, tất cả đều phụ thuộc vào rừng. Năm 2011 sẽ là năm để toàn thế giới nhận ra tầm quan trọng sống còn của những cánh rừng tươi tốt đến cuộc sống trên Trái đất - đối với tất cả các dân tộc và đối với sự đa dạng sinh học".