Châu Á bùng nổ du lịch sinh thái

Cập nhật: 15/04/2011
Ngư dân Abner Abrigo vẫn thường thích thưởng thức thịt cá heo và thịt rùa biển cho đến khi anh phát hiện ra rằng những thứ đó là điểm thu hút du lịch có giá trị.

Đảo sinh thái Palawan, Philippines

Từ chỗ khoái khẩu món cá heo “adobo” - một món ăn được làm từ thịt cá heo trộn nước sốt đậu nành đậm đặc cùng dấm tỏi mang phong cách Tây Ban Nha, giờ đây Abrigo cùng nhóm bạn của anh lập ra một cộng đồng ngư nghiệp trên hòn đảo Palawan đẹp mê hồn ở miền Tây Philippines để đón những du khách tới đây ngắm cá heo.

“Thu nhập có được từ dịch vụ ngắm cá heo đã mang lại những đổi thay lớn trong cuộc sống của chúng tôi”, Abrigo nói trong một cuộc trò chuyện ở Puerto Princesa, thủ phủ Palawan.

Trên khắp châu Á, mô hình kinh doanh nhỏ như của Abrigo đang tạo cho người dân địa phương cơ hội cải thiện cuộc sống trong khi vẫn gìn giữ được môi trường khi họ biết tận dụng lợi thế của ngành công nghiệp vốn nhỏ nhưng đang phát triển: du lịch sinh thái.

Trong khi đó, người dân cộng đồng thiểu số Qiang ở vùng núi Tây Nam Trung Quốc chọn bán những món ăn được chế biến từ thực phẩm hữu cơ cho du khách, còn tại Indonesia, người dân địa phương đưa du khách tới thăm thú từ những cánh rừng nhiệt đới cho tới những con đười ươi nằm trong danh sách sắp tuyệt chủng.

Nắm bắt nhu cầu gia tăng đối với ngành công nghiệp du lịch xanh, chính phủ nhiều nước khu vực và các hãng lữ hành đã có những hồi đáp, ví dụ như Campuchia gần đây đã trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên đáp ứng các tiêu chuẩn của Hội đồng Du lịch Bền vững Toàn cầu. Trên mạng Internet, du khách có vô số lựa chọn từ các nhà điều hành tour thúc đẩy các kỳ nghỉ “bền vững”, bao gồm cả ngỏ ý mua tín dụng cácbon để bù đắp mức thải khí cácbon do đi lại bằng máy bay cho tới việc nghỉ tại những khu ứng dụng tập quán xanh. Ông John Koldowski, Phó giám đốc chấp hành Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương cho rằng: “Du lịch sinh thái là một thị trường mới song đang phát triển”.

Các chính phủ, cộng đồng địa phương và các tổ chức phi chính phủ ở Palawan, một trong những  quần đảo đa dạng sinh thái và xinh đẹp nhất của  Philippines, nằm trong số những nhân tố tích cực nhất trong việc thúc đẩy du lịch sinh thái ở châu Á.

Cộng đồng ngư nghiệp của Abrigo – với tư cách là một phần của chương trình du lịch sinh thái có tên gọi Bayanijuan do chính quyền Puerto Princesa và Công ty truyền thông ABS-CBN của Philippines điều hành – đã mở dịch vụ ngắm cá heo và cá voi được hai năm qua.

Abrigo và vài người trong số hàng xóm của anh đóng vai trò “chỉ điểm” cho các tàu du lịch đi ngắm cá heo và cá voi trong lúc họ cũng làm công việc đánh cá của mình trên các tàu của chính họ. Nếu như họ tìm  thấy chỗ có đàn cá heo hoặc cá voi quần tụ, họ sẽ nhận được từ mỗi du khách trên tàu 25 peso (khoảng 60 cents).

Trong khi  Abrigo vẫn cần đánh cá để đảm bảo mưu sinh thì nhiều ngư dân khác ở Palawan đã từ bỏ công việc của mình để thử sức với nghề mới có được từ số lượng du khách ngày càng gia tăng.

 Edwin Bermejo, 43 tuổi, thừa nhận rằng anh đã từng gắn bó với nghề đánh bắt thủy sản theo kiểu tận diệt ở Vịnh Honda nhiều năm mà không ý thức được rằng việc làm của họ đã hủy hoại những rặng san hô quý giá của Palawan.

Nhưng cho đến khi lượng cá bắt được ngày càng cạn kiệt và du khách bắt đầu tìm đến với vùng quần đảo vào những năm 90 của thế kỷ trước, Bermejo nói anh và những ngư dân khác ở Vịnh Honda phải thay đổi cách sống nếu muốn tồn tại.

Với sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ và gần đây hơn là chương trình Bayanijuan, họ đã biến các tàu đánh cá thành các tàu ngắm cảnh đảo. Họ cũng làm việc với chính quyền Puerto Princesa để thực hiện một lệnh cấm đối với tập quán đánh cá theo lối tận diệt, tình nguyện làm công tác tuần tra quanh đảo và thông báo bất cứ trường hợp vi phạm nào với nhà chức trách. Những cố gắng của họ đã được đền đáp bằng nguồn thủy sản ở vùng biển địa phương dồi dào trở lại và du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ đến đây ngày càng đông. Theo số liệu của chính quyền địa phương, số lượt du khách đến với Palawan đã tăng từ 12.000 năm 1992 lên 425.000 năm 2010 và dự kiến còn tăng nữa trong năm nay sau khi kênh truyền hình National Geographic đưa Palawan vào danh sách 20 điểm đến hang đầu của năm 2011.

Đối với Anthony Cuvinar, 27 tuổi, sự bùng nổ du lịch đã biến anh từ một người thợ thủ công chật vật kiếm sống thành một hướng dẫn viên du lịch nhanh nhẹn có thể kiếm tới 20.000 peso  (470 USD) một tháng – mức thu nhập tốt đối với người dân địa phương.

Thái Vân

 (Theo AFP)

Nguồn: Báo Văn hóa