Con đường gốm sứ … “kêu oan”

Cập nhật: 06/06/2011
Lem nhem, bong tróc, trở thành nơi… không tiện nói ra là những gì mà người ta đã nhắc đến trong thời gian gần đây khi nói về “Con đường gốm sứ ven sông Hồng”, công trình kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội và được công nhận kỷ lục Guinness thế giới.

Trước dư luận đó, họa sĩ, nhà báo Nguyễn Thu Thủy, tác giả công trình nghệ thuật này đã lên tiếng cho rằng: Con đường gốm sứ đã bị oan, những dấu hiệu hỏng hóc ngay từ đầu đã nằm trong dự tính và hoàn toàn có thể khắc phục.

“Nỗi oan” của Con đường gốm sứ

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy thừa nhận, sau khi khánh thành vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, trên “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” có xuất hiện một số dấu hiệu như những vết nứt, bong tróc…

Tuy nhiên, đây là những dấu hiệu không tránh khỏi bởi sự tác động của không gian, môi trường tồn tại và không đáng kể so với diện tích tổng thể của công trình với chiều dài gần 4 km. Thời tiết và mật độ qua lại của rất nhiều phương tiện giao thông trọng tải lớn đã khiến công trình nghệ thuật này ít nhiều bị ảnh hưởng.

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy cũng cho hay, ngay từ khi nghiên cứu xây dựng dự án và bắt tay thực hiện công trình, đã có nhiều chuyên gia kỹ thuật và các nghệ sĩ chuyên chất liệu gốm cảnh báo rằng hai chất liệu gốm và xi măng có độ vênh với nhau, khả năng xuất hiện bong tróc chắc chắn sẽ xảy ra và vì thế, cần thường xuyên duy trì tu bổ, bảo dưỡng.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cũng khẳng định, bất kỳ một công trình nghệ thuật công cộng nào đều cần có sự duy tu bảo dưỡng và bàn tay chăm sóc của con người. Con đường gốm sứ ven sông Hồng cũng vậy, không nên nhìn nó như một sản phẩm tĩnh mà cần nhìn nhận như một quá trình, kể từ lúc nghệ sĩ sáng tạo, sự đón nhận của công chúng cho đến ý thức của cộng đồng cùng chung tay để giữ gìn, bảo vệ.

Theo bà Thủy, ở nhiều nước phát triển như Tây Ban Nha, Pháp…, những công trình nghệ thuật công cộng gắn gốm được sử dụng để trang trí cho những quần thể kiến trúc hiện đại, trong không gian yên tĩnh cũng vẫn xảy ra tình trạng bong tróc và thường xuyên phải tiến hành bảo dưỡng. “Vì thế, xin đừng “đổ oan” cho con đường gốm sứ bằng cách gán ghép, nhìn nhận nó như một công trình chất lượng kém. Thay vì chỉ trích, hãy cùng chúng tôi chung tay giữ gìn, bảo vệ để Hà Nội thực sự có một công trình nghệ thuật công cộng đẹp và ý nghĩa...” – bà Thủy nhấn mạnh.

Cũng theo nữ nhà báo, họa sĩ này, những hỏng hóc nhỏ nêu trên hoàn toàn có thể khắc phục. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn cả là ý thức của công chúng đối với việc giữ gìn công trình nghệ thuật này ra sao. Đoạn đường gốm sứ gần khu vực cổng chợ Long Biên đang phải sống trong một tình cảnh ô nhiễm, trở thành nơi xả rác và… phóng uế của nhiều người. Bác Nguyễn Thanh Minh, một cư dân cao tuổi sống ở khu vực này cho hay, đây là một vấn nạn thực sự khó khắc phục, bởi khu vực chợ Long Biên là nơi tụ hội rất đông những người dân ngoại tỉnh về làm thuê, điều kiện sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn khiến họ trở nên thiếu ý thức đối với việc bảo vệ tác phẩm nghệ thuật con đường gốm sứ. “Là những người dân sống ở khu vực này lâu năm, chứng kiến sự hình thành của con đường gốm sứ, chúng tôi rất trân trọng và luôn muốn giữ sạch đẹp những đoạn tranh gốm đó…”, bác Minh nói.

Sẽ tăng cường duy tu, bảo dưỡng

Sau khi đón nhận kỷ lục Guinness, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy cùng các cộng sự vẫn thường xuyên theo dõi và tiến hành công việc duy tu, bảo dưỡng đối với những dấu hiệu hỏng hóc, xuống cấp của công trình. Năm 2011, có nhiều hoạt động đã được tiến hành để bảo vệ cho con đường gốm sứ.. Thành đoàn Hà Nội và Quận đoàn Hoàn Kiếm đã huy động một lực lượng lớn đoàn viên, thanh niên, sinh viên đi lau dọn, góp phần bảo vệ không gian cảnh quan cho con đường gốm sứ ven sông. Thành phố Hà Nội cũng đã giao trách nhiệm bảo vệ công trình cho Ban Quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội và Ban này cũng đã tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình để tiến hành công tác duy tu, bảo dưỡng. Thậm chí, UBND TP. Hà Nội cách đây không lâu cũng đã ban hành riêng một quy chế để bảo vệ công trình nghệ thuật công cộng này, theo đó, mọi hành vi xâm phạm đến con đường gốm sứ sẽ bị xử phạt.

“Tuy nhiên, ngay sau khi khánh thành công trình, đội ngũ chuyên gia và các họa sĩ chung tay làm nên con đường gốm sứ đã sớm quan tâm đến việc giữ gìn, bảo vệ công trình. Chúng tôi đã gửi gắm rất nhiều tâm huyết và tình cảm của mình trong đó, vì thế không thể để “đứa con tinh thần” của mình bị bỏ mặc. Thời gian tới, hoạt động duy tu, bảo dưỡng sẽ tiếp tục được tăng cường…” - họa sĩ Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.

Cũng theo bà Thủy, về kỹ thuật, lớp gốm có thể hình dung như một lớp phấn ngoài da để làm đẹp, tạo màu sắc hoa văn và việc bị bong tróc có thể dễ dàng xử lý. Song, để công trình nghệ thuật này có thể tồn tại bền vững và trở thành niềm tự hào của người Hà Nội, bà Thủy cùng những cộng sự của mình luôn mong muốn sẽ nhận được sự  góp sức, chung tay của cộng đồng trong việc bảo vệ con đường gốm sứ.

Hà Phương

 

Nguồn: Báo Văn hóa