Viện Lâm nghiệp Việt Nam và Sở Khoa học- Công nghệ vừa tổ chức Hội thảo khoa học về đa dạng sinh học và giải pháp bảo tồn thực vật quý hiếm tại huyện Mường Tè.
Đây đồng thời là đề tài khoa học cấp tỉnh nhằm điều tra, đánh giá khu hệ thực vật quý hiếm cần bảo tồn trong hệ sinh thái rừng tự nhiên của huyện Mường Tè. Sau 2 năm triển khai nghiên cứu đề tài, các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sỹ của Viện Lâm nghiệp Việt Nam đã phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ, Chi cục kiểm lâm tỉnh và UBND huyện Mường Tè tiến hành điều tra hệ sinh thái rừng tại 2 xã Mù Cả và Tà Tổng. Kết quả đoàn điều tra đã khảo sát được gần 560 loài thực vật thuộc gần 400 chi, hơn 100 họ thực vật. Đặc biệt đã phát hiện trong hệ thực vật của huyện Mường Tè có 57 loài thực vật quý hiếm trong Sách Đỏ của Việt Nam; 5 loài cây quý hiếm trong Sách Đỏ của thế giới và 7 loài cần bảo vệ nghiêm ngặt.
Đánh giá chung của các nhà khoa học cho thấy: Hệ sinh thái của huyện Mường Tè đang bị suy giảm cả về diện tích và chất lượng rừng; 3 cấu trúc rừng tự nhiên đã bị phá vỡ, dẫn đến công dụng phòng chống thiên tai của rừng bị suy giảm. Trên cơ sở đó, tại Hội thảo các nhà khoa học và các thành viên Hội đồng khoa học tỉnh thống nhất đưa ra quan điểm cần bảo tồn hệ sinh thái rừng của huyện Mường Tè. Trước mắt là tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân các dân tộc trong vùng để nhân dân nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ rừng nói riêng, hệ sinh thái nói chung; đặc biệt là hệ thực vật quý hiếm hiện có.
Về lâu dài đề nghị tỉnh xây dựng chiến lược bảo tồn thiên nhiên với các chính sách thiết thực. Những kết quả của đề tài là cơ sở quan trọng để huyện Mường Tè nói riêng, tỉnh nói chung xây dựng chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, gắn với bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái. Đồng thời góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh là bảo vệ rừng đầu nguồn sông Đà.