Hàng năm, huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) luôn phải đối mặt với những hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra, đặc biệt là việc bị biển xâm thực. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do diện tích rừng trên đảo ngày càng bị thu hẹp. Chính vì vậy, nhiệm vụ trồng rừng, bảo vệ đảo được phát động mạnh mẽ và được toàn thể nhân dân tích cực hưởng ứng.
Trước đây việc trồng cây trên đảo gặp rất nhiều khó khăn, nguyên nhân là do phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Hơn nữa điều kiện tự nhiên ở đảo rất khắc nghiệt, độ mặn cao hơn nhiều so với các địa phương ven biển. Trong khi đó, lượng mưa hàng năm ở đảo thấp (trung bình 900 mm đến 1.100 mm). Khi trồng, cây giống chết nhiều vì nắng hạn nên khả năng hình thành rừng trồng tập trung rất thấp.
Xác định cây xanh có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển bền vững của đảo, những năm gần đây, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp để tăng diện tích cây xanh trên đảo. Thông qua các Chương trình dự án 773, 327, 661…, đến nay, diện tích rừng và cây phân tán che phủ trên đảo Phú Quý chiếm khoảng 40% so với 17,82 km2 diện tích toàn đảo. Có được kết quả này là do huyện đã chủ động làm tốt công tác tạo các loại giống cây lâm nghiệp tại chỗ để phục vụ việc trồng cây hàng năm, góp phần chủ động cây giống và giảm được chi phí vận chuyển cây giống từ đất liền ra. Đồng thời, huyện triển khai nhanh khâu trồng cây khi thời tiết thuận lợi, nhờ vậy cây giống thích nghi nhanh với điều kiện khí hậu của đảo nên tỉ lệ cây sống tăng cao.
Ông Tạ Minh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý cho biết: Song song với việc chủ động giống gieo trồng, huyện còn đẩy mạnh phong trào “trồng cây gây rừng”. Cây xanh được trồng trong khuôn viên các trường học, cơ quan, doanh trại quân đội và trong mỗi nhà dân… Đồng thời, huyện cũng khuyến khích việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây ngắn ngày sang trồng cây dài ngày, cây ăn quả lâu năm cũng góp phần tăng diện tích của rừng trên đảo. Đảo phấn đấu đạt tán che phủ khoảng 45% vào năm 2015. Theo ông Nhựt, phát triển rừng trên đảo là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, tuy giá trị kinh tế không lớn, nhưng giá trị môi trường thì không thể nào so sánh được. Ước tính đến năm 2020, dân số trên đảo khoảng 30 ngàn người, phải cần một lượng nước ngọt ngầm quý báu đủ để cung cấp sinh hoạt cho số dân sống trên đảo; nếu không tích cực trồng rừng phủ xanh cho đảo hàng năm để giữ lượng nước ngọt ngầm thì nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt sẽ không còn nữa. Đây là một bài toán rất quan trọng và cấp thiết cho đảo.