Sapa, những điều trông thấy...!

Cập nhật: 18/08/2011
Di chuyển tới Sapa (Lào Cai) mùa này đã là một sự vất vả, nhưng kiềm chế được những bức xúc trước nạn chèo kéo du khách còn là một thử thách nữa với bất kỳ du khách nào.

Đeo bám du khách

Con tàu đau khổ

Sapa đang vào cuối mùa du lịch nhưng lượng khách vẫn đông, nhất là hai ngày nghỉ cuối tuần. Vậy nên, khi mua vé tàu, phải chật vật lắm ( nhờ người quen) chúng tôi mới mua được vé ngồi mềm điều hòa. 22h tối 5/8, tàu LC1 đi Lào Cai xuất phát. Vừa bước vào sân ga, trời chợt mưa nặng hạt, toa tầu 13 lại nằm cuối, nên chúng tôi chạy đại vào một toa đầu. Từ đây, chúng tôi xuyên qua các toa và đã chứng kiến một cảnh tượng kinh ngạc. Tại toa giường nằm (có mức giá cao nhất hơn 400 nghìn đồng), hành lang rộng chưa được nửa mét la la liệt khách ngồi trên dọc lối đi. Họ ngồi trên những chiếc ghế nhựa nhỏ tí. Hỏi ra, mới biết, họ cũng mua vé đàng hoàng như ai, nhưng do hết vé phải chấp nhận vé phụ kiểu không giống ai thế này. Di chuyển khá chật vật hơn khi tiếp tục qua những đoạn nối hai toa, chứng kiến cảnh khách nằm, ngồi, đứng các kiểu, thậm chí có người trải áo mưa nằm sát ngay trước cửa nhà vệ sinh!

Một số toa ghế cứng (không điều hòa) trống chỗ, nguyên do nhiều hành khách không chịu được nóng đã chạy vào các toa có điều hòa để … nằm. Tại toa 13, nơi chúng tôi ngồi, hàng chục khách trải chiếu nằm ngủ ngon lành giữa lối đi. Nhiều hành khách, trong đó có cả khác nước ngoài, mỗi khi đi vệ sinh, lại phải kiễng chân một cách đau khổ. Điều đáng ngạc nhiên là các nhân viên tàu thản nhiên đi qua mà không hề có lời nhắc nhở. Điều hòa lúc mở lúc tắt, lại nhồi đông người, không khí chợt oi bức. Không thể chịu nổi, một hành khách đã phản ứng gay gắt với nhân viên nhà tàu: “Chúng tôi không coi thường ai, nhưng nhà tàu phải tôn trọng đồng tiền chúng tôi bỏ ra”. Đến lúc này, nhân viên nhà tàu mới yêu cầu số khách này trở về các toa khác. Một vị khách lẩm bẩm: “Cách đây chục năm, người ta từng “đau thương hóa” mấy từ “ ngành đường sắt Việt Nam” - viết tắt là ĐSVN- nghĩa là đừng- sờ- vào- nó. Bây giờ vẫn thấy chưa sai”!

Chèo kéo du khách

Hơn 5 năm trở lại Sapa, điều mà tôi nhận thấy là các loại hình dịch vụ ở đây ngày càng nở rộ. Ỏ trung tâm thị trấn, chợ họp đông vui, tấp nập không hề thua kém bất cứ phiên chợ vùng cao nào. Người ta bán đủ thứ, từ thảo quả, táo mèo, lê… cho đến những bộ quần áo thổ cẩm, vòng đeo tay. Các cửa hàng mát- xa , tắm thuốc dân tộc Dao mọc lên nhan nhản. Dọc phố Xuân Viên, Thạch Sơn… nhà nghỉ, khách sạn san sát.

Với tôi, đến Sapa có hai điều làm tôi thích thú nhất, đó là khí hậu và phong cảnh. Trong khi đó, các món ăn ở Sapa không hề làm tôi hấp dẫn, chưa kể nó thật sự đắt đỏ. Một đĩa su su luộc ở một nhà hàng trên đường đi Thác Bạc có giá 50 nghìn đồng/đĩa, trong khi ở chợ, chỉ 10 ngàn đồng/kg! Một kg cá tầm ở chợ giá 200 nghìn đồng/kg nhưng khi vào nhà hàng nó có mức trên 900 nghìn đồng/kg. Nguyễn Bách, một sinh viên đến từ TP.HCM, than thở: “Chúng em thuê phòng nghỉ ở khu an dưỡng của quân khu 2, vì có 2 người, phòng lại chỉ có 1 cái khăn, nhưng khi yêu cầu thêm một khăn mặt nữa thì nhận được câu trả lời tỉnh bơ của cô lễ tân: “Hết khăn. Nếu muốn có khăn nữa, phải trả tiền”. Hóa ra khu an dưỡng này đánh quả lẻ, với khách dân sự thì phục vụ kiểu nửa vời, nhưng đánh quả lẻ kiểu này khác nào “giết” du lịch!”.

   

Bán quà lưu niệm - những cảnh như thế này rất phổ biến ở Sapa

Chúng tôi cũng chứng kiến cảnh nhiều du khách (cả ta lẫn Tây) đang ăn sáng, uống cà phê thì những người đàn bà Mông, Dao địu con xộc tới, chìa những chiếc túi thổ cẩm ra “Mua đi, mua đi”... Xuống phố chụp ảnh, chưa bấm máy xong, bà con đã giơ tay: “Tiền đâu” hoặc “ Năm nghìn à, ít quá”... Ỏ bãi đá cổ, đã không còn cảnh phơi lúa trên “sách trời” như chục năm về trước nhưng du khách thật sự khó chịu khi có những người phụ nữ lẵng nhẵng đeo bám xin tiền. Một người phụ nữ ngoài 40, địu theo đứa cháu, sau khi nhận tiền “chụp ảnh” từ chúng tôi, lại có đòi “cho đứa cháu nó thêm ít tiền mua sữa”. Chưa hết, một người phụ nữ ngoài 50 lên tục bám theo chúng tôi “Bà nghèo lắm à, cho bà ít tiền để bà mua dép nào, dép bị đứt rồi”.

Bực dọc không kém là nạn chặt chém du khách khi đi thuê xe máy. Khi chúng tôi thuê 2 chiếc xe máy đi Thác Bạc, thống nhất với người cho thuê (có số điện thoại 0944183886) giá 100 nghìn đồng mỗi xe, bao gồm cả xăng, đi trọn buổi chiều. Sau khi đi Thác Bạc, thấy còn thời gian, chúng tôi đi tiếp bãi đá cổ. Trở về, người đàn ông cho rằng, chúng tôi đã đi tiếp bãi đá cổ nên thu thêm mỗi xe 30 nghìn đồng tiền xăng dù xe vẫn chưa hết xăng!

Sapa là điểm du lịch nghỉ dưỡng thu hút một lượng đông du khách mỗi năm, nhưng thực sự vẫn còn những còn những điều bức xúc mà du khách gặp phải như kể trên đây. Mong rằng, các cơ quan chức năng sớm có những giải pháp hữu hiệu chấn chỉnh tình trạng trên, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động người dân .

Bài: Nguyên Trường
Ảnh: Nguyễn Dương

 

Nguồn: Báo Du lịch