Làng nghề sản xuất vôi xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương của tỉnh Kiên Giang đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhưng thiếu những giải pháp ngăn chặn, khắc phục hữu hiệu gây ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng, dân cư.
Theo Sở Tài nguyên-Môi trường Kiên Giang, khói bụi thải ra trong quá trình sản xuất vôi đã làm môi trường quanh khu vực làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng. Chất lượng không khí suy giảm, tiếng ồn phát sinh, chất thải rắn chưa được quản lý chặt chẽ, các cơ sở sản xuất không quan tâm đến quản lý môi trường… đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống công nhân và cộng đồng dân cư; nguy cơ xảy ra bệnh tật, tai nạn lao động rất lớn.
Kết quả kiểm tra cho thấy, chất lượng môi trường không khí khu vực làng nghề sản xuất vôi Hòa Điền có nồng độ các chất ô nhiễm khá cao như nồng độ bụi 0,4 mg/m3 vào mùa khô và 0,46 mg/m3 vào mùa mưa; nồng độ CO2, SO2, NO2 đều không đáp ứng các tiêu chuẩn QCVN 05:2009 về chất lượng không khí xung quanh. Các nguy cơ mà người lao động tiếp xúc cao với khói bụi chiếm 95%, nhiệt chiếm 86%, hóa chất 30-60%.
Ngoài những hệ lụy đó, ô nhiễm môi trường làng nghề còn làm tăng chi phí khám, điều trị bệnh của người dân, mất ngày công lao động vì ốm đau, bệnh tật và giảm sức hút du lịch…
Các cơ sở sản xuất vôi làng nghề Hòa Điền có quy mô nhỏ, hoạt động theo kiểu thủ công, thiết bị lạc hậu, không đầu tư hệ thống xử lý ô nhiễm. Quá trình sản xuất vôi tạo hàm lượng bụi cao trong không khí, khi có gió mạnh bụi vôi bị cuốn đi khá xa, gây ô nhiễm môi trường trong khu vực.
Trong khi đó, phương tiện kiểm soát ô nhiễm môi trường của huyện Kiên Lương chưa được trang bị đúng theo quy định, đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường thiếu về số lượng, chuyên môn nghiệp vụ hạn chế. Việc kiểm tra các cơ sở sản xuất vi phạm mới chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, chưa có biện pháp triệt để, mạnh tay để chấn chỉnh hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở.
Trước thực trạng trên, để thực hiện công tác quản lý nhà nước về môi trường tại làng nghề sản xuất vôi Hòa Điền, địa phương đã triển khai tuyên truyền, giáo dục người dân và các chủ lò vôi bằng những hình thức như truyền thanh, phát tờ rơi, thanh tra, kiểm tra..., song chưa có giải pháp bền vững, hiệu quả mang tầm chiến lược về ngăn chặn ô nhiễm, bảo vệ môi trường.
Tỉnh Kiên Giang đang kiến nghị với Bộ Tài nguyên-Môi trường cải tiến cơ chế chính sách sử dụng kinh phí nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ bảo vệ môi trường, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải và thực hiện giám định môi trường định kỳ. Tỉnh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất vôi vay vốn ưu đãi đầu tư xây dựng hệ thống xử lý thải, giảm thiểu tác động ảnh hưởng đến môi trường trong quá trình sản xuất và phát triển làng nghề./.