Khu du lịch sinh thái Tràng An và khu văn hóa tâm linh núi chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình, cách Hà Nội hơn 90km về phía nam thuộc địa phận các xã Trường Yên, Ninh Vân, Ninh Hải (huyện Hoa Lư), Gia Sinh (huyện Gia Viễn), xã Ninh Nhất, phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) quanh năm thu hút du khách trong và ngoài nước đến thưởng ngoạn, chiêm bái.
Theo kế hoạch, tháng 9/2012, hồ sơ Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thiên nhiên thế giới sẽ được trình lên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).
Trong các tiêu chí do UNESCO đưa ra, Tràng An đáp ứng được 2 tiêu chí, đó là tiêu chí 7 về giá trị địa chất- địa mạo: "Di sản là những ví dụ nổi bật đại diện cho những giai đoạn quan trọng của lịch sử trái đất, bao gồm cả việc ghi chép lại cuộc sống, các quá trình địa chất lớn đang tiếp diễn trong sự phát triển của các địa mạo, hay những đặc điểm địa chấn và địa hình lớn"; tiêu chí 9 về giá trị thẩm mỹ: "Di sản chứa đựng các hiện tượng thiên nhiên siêu việt hay khu vực có vẻ đẹp thiên nhiên khác thường và tầm quan trọng thẩm mỹ."
Nơi ước đến, chốn mong về
Khu du lịch sinh thái Tràng An trải dài trên diện tích 2.168 ha đã từ lâu được coi là Vịnh Hạ Long trên cạn, được tạo bởi những dải đá vôi với thung lũng, sông ngòi hòa quyện vào nhau tạo nên một không gian huyền ảo, trữ tình hiếm thấy. Hệ thống hang động nơi đây vô cùng đa dạng về hình thái và chủng loại, mỗi hang chứa đựng những sắc thái riêng biệt, do hiện tượng hòa tan và lắng đọng đá vôi làm nên nhiều thạch nhũ muôn màu, muôn vẻ, tập trung thành từng cụm và có quan hệ mật thiết với nhau.
Theo nghiên cứu của phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam, nhiều hang động chứa đựng trong lòng nó các di tích khảo cổ thời tiền sử, về lịch sử hình thành và phát triển của con người cũng như lịch sử của biến động khí hậu toàn cầu, của sự diễn thế môi trường khu vực. Các nhà khoa học nghiên cứu về địa chất đã phát hiện thấy di vật, dấu tích người tiền sử cách đây từ 5.000 năm đến 30.000 năm ở hang Bói, hang Trống, núi đá hang Chợ, núi đá ông Hay và hang núi Thung Bình...
Ông Trụ khẳng định, Tràng An thực sự là một bảo tàng địa chất ngoài trời. Sự đa dạng về địa chất, địa mạo và hệ thống hang động là kết quả của quá trình hoạt động địa chất trên diện rộng kéo dài hàng trăm triệu năm. Từ biển cả đã biến thành núi non hùng vĩ, từ các núi đá vôi nguyên vẹn đã trở thành hơn 500 hang động lớn nhỏ thuộc nhiều thế hệ khác nhau có độ tuổi lâu nhất từ 32 triệu năm xuống đến 6.000 năm dưới tác động của sự thay đổi mực nước biển toàn cầu và chuyển động thăng trầm của vỏ Trái đất.
Xuất phát từ vị trí địa lý, đất đai và địa mạo, các dãy núi đá vôi có vách dốc đứng kết hợp với trũng ngập nước thường xuyên hay theo mùa, mặt khác, lại là nơi có nhiều hang động xuyên thuỷ nên Tràng An mang trong mình nó nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, có hệ sinh thái trên cạn và dưới nước cùng tồn tại song song rất đặc biệt.
Hệ sinh thái trên cạn trong khu danh thắng Tràng An là nơi sinh sống của khoảng 600 loài thực vật, 200 loài động vật, một số loài được ghi trong sách Đỏ Việt Nam cần được bảo vệ như rắn hổ chúa, kỳ đà hoa, trăn đất, rắn sọc đầu đỏ. Tại vùng lõi, các nhà khoa học đã phát hiện một quần thể khỉ, vượn và chim phượng hoàng đất sinh sống. Ở dưới nước, hệ sinh thái bao gồm khoảng 30 loài động vật nổi, 40 loài động vật đáy. Loài rùa cổ sọc quý hiếm có tên khoa học là Ocaclia sinensis cũng được tìm thấy tại đây.
Sau gần 1 ngày ngồi thuyền khám phá vẻ đẹp sông nước Tràng An, Robert Sklar, vị khách du lịch đến từ nước Mỹ không thể giấu nổi cảm xúc ngỡ ngàng xen lẫn thích thú khi bước chân lên bờ.
"Phong cảnh thiên nhiên nơi đây đẹp tuyệt. Vừa ở chỗ xuất phát [bến thuyền Tràng An-pv], chỉ hơn chục phút sau, con thuyền đã lách vào một nhánh sông hẹp bốn bề bao bọc bởi những dãy núi có nhiều đỉnh vút nhọn, vách dốc thẳng đứng như tháp đá. Nước trong ngăn ngắt, có thể nhìn thấy vô vàn cây thuỷ sinh đung đưa dưới đáy. Cứ ngỡ không còn lối ra, bất ngờ xuất hiện một ngã rẽ nhỏ, người lái thuyền đưa chúng tôi tiếp tục tiến sâu vào bên trong. Không gian liên tục biến đổi. Lúc thuyền lọt thỏm giữa hai vách đá sừng sững vây sát, lúc lại vòng ra một vùng sông nước thoáng đãng, thật kỳ diệu...," anh Robert Sklar nhận xét.
Nở trên môi nụ cười mãn nguyện, Mary O'Regan chia sẻ, ấn tượng nhất đối với cô, đó là khi một mình ngồi lọt thỏm trong lòng thuyền, chầm chậm đi qua 11 hang xuyên lòng núi dài hàng chục đến hàng trăm mét. "Bạn sẽ khó ngồi thẳng bởi lẽ vòm cửa tiến vào hang rất thấp. Nếu không cẩn thận, bạn có thể bị va đầu vào đá. Tôi cảm nhận rõ sự thú vị xen lẫn mạo hiểm. Còn rất nhiều những hang động khác mà tôi muốn khám phá nếu như có dịp trở lại nơi đây," Mary nói.
Giữ gìn nguyên trạng để phát triển du lịch
Sau sáu năm, từ 2005 đến 2011, Du lịch Việt Nam sử dụng slogan "The Hidden Charm - Vẻ đẹp tiềm ẩn," thì nay đã được thay thế bằng "Việt Nam - Timeless Charm - Vẻ đẹp bất tận". Điều này cho thấy, việc khai thác các giá trị di sản văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc để phát triển du lịch đã trở thành một trong những hướng đi quan trọng.
Trải qua chiều dài lịch sử, quần thể cố đô Hoa Lư-khu du lịch sinh thái Tràng An-khu du lịch văn hoá tâm linh núi chùa Bái Đính hiện vẫn lưu giữ gần như nguyên vẹn các danh lam thắng cảnh, nơi thờ tự anh hùng dân tộc như đền vua Đinh, vua Lê, chùa Nhất Trụ, chùa Bàn Long… Cùng với những di tích trên mặt đất tạo nên "Thành nội", "Thành ngoại", các nhà khảo cổ đã khai quật và phát hiện thấy nền của cung điện Hoa Lư cách đây hơn 1.000 năm.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Luyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Bình cho biết, Quần thể danh thắng Tràng An được chia làm 4 khu chức năng gồm khu trung tâm; khu du lịch hang động; khu núi chùa Bái Đính và khu công viên văn hóa, có 9 tuyến du lịch đường thuỷ và 2 tuyến du lịch đường bộ. Hệ thống giao thông trên bộ được xây dựng với 11 đường chính, đường nhánh và đường đi bộ qua núi với tổng chiều dài gần 40km.
Năm 2011, 3,6 triệu lượt du khách đã tìm về với Ninh Bình, thu từ dịch vụ du lịch đạt 730 tỷ đồng. Con số này sẽ được tăng lên 4 triệu khách trong năm 2012, phấn đấu doanh thu tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Để làm được điều này, tỉnh đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, đa dạng hoạt động quảng bá, xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo mang đặc thù địa phương kết hợp với giữ gìn an ninh trật tự tại các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, không để xảy ra phiền hà cho du khách.
Ông Trần Hữu Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình khẳng định, trong quá trình xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An là di sản thiên nhiên thế giới, tỉnh kiên quyết giữ gìn nguyên trạng cảnh quan, môi trường sinh thái, môi trường xã hội nơi đây để phát triển loại hình thăm quan, nghỉ dưỡng kết hợp tín ngưỡng văn hóa tâm linh, đồng thời chống mọi biểu hiện tận dụng để khai thác cạn kiệt sản phẩm du lịch./.
Vũ Anh Minh