Sẽ hướng tới chấm dứt bán hàng rong trên Vịnh Hạ Long

Cập nhật: 15/03/2012
Về lâu dài, người dân sinh sống trên Vịnh Hạ Long sẽ được đưa lên bờ để ổn định cuộc sống, đồng thời đưa hoạt động dịch vụ phục vụ du lịch đến sự tiện lợi, văn minh, chấm dứt bán rong trên vịnh.

Sở VHTTDL Quảng Ninh đã xây dựng đề án nhằm giữ gìn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long, đặc biệt là sau khi được công nhận là Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Hiện, đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt và sẽ áp dụng trong năm 2012. Một trong những vấn đề được đặc biệt lưu tâm là tuyên truyền; định hướng quy hoạch, đưa người dân các làng chài lên bờ, đưa hoạt động dịch vụ đến sự tiện lợi, văn minh, chấm dứt bán rong trên biển. Ông Hà Quang Long- Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện về chiến lược quy hoạch và phát triển của Vịnh Hạ Long.

Công suất sử dụng phòng tăng 20%

Sau khi được lọt vào danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, sức hút của Vịnh Hạ Long đối với du khách có gì khác không, thưa ông?

Sau khi Vịnh Hạ Long sơ bộ lọt và top 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới đã tạo được sức thu hút to lớn đối với du khách trong và ngoài những tham quan và sử dụng các dịch vụ trên vịnh Hạ Long. Thống kê sơ bộ, trong những tháng gần đây, công suất phòng tăng 20% so với cùng kỳ các năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế 20%. Trong thời điểm như hiện nay, việc thu xếp cho các hội nghị lớn rất khó khăn, phải tản ra các khách sạn mỗi chỗ vài chục phòng. Ngoài ra, việc ngủ đêm trên vịnh cũng tăng cao, số lượng 160 tàu du lịch có phòng ngủ trên vịnh đã được đặt kín.

Quy hoạch lại làng chài, đưa ngư dân lên bờ là chiến lược của du lịch Quảng Ninh

Đặc biệt, trong thời gian qua, các nhân vật nổi tiếng như CEO của facebook nghỉ tại Vịnh Hạ Long kỳ nghỉ Noel 2011 cũng tạo ra sức thu hút rất lớn. Có thể nói, Vịnh Hạ Long có sức thu hút mạnh, an toàn, dịch vụ lý tưởng, phục vụ theo nhiều đẳng cấp, từ người giàu trên thế giới đến người bình thường, đặc biệt là thể hiện một điểm đến an toàn, thân thiện. Đây là thông điệp mà chúng tôi muốn thông tin đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, thời gian qua cũng có một vài sự cố về an toàn trên biển. Quảng Ninh đã có giải pháp gì cho vấn đề này?

An toàn cho du khách đến Vịnh Hạ Long là sự quan tâm chung của Quảng Ninh, đặc biệt là Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Thể hiện ở việc ban hành Quyết định 716 chấn chỉnh và nâng cao chất lượng hệ thống tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ cũng như đặc biệt là đảm bảo an toàn cho du khách khi thăm quan và lưu trú trên vịnh Hạ Long. Trong thời gian gần đây công tác kiểm tra an toàn, phòng chống cháy nổ, đảm bảo an ninh trật tự cho du khách trên biển, trên vịnh được các cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường.

Ví dụ, các tiêu chuẩn của tàu du lịch đi thăm vịnh được nâng cao hơn trước rất nhiều. Trước đây, hệ số an toàn là 1 thì nay tăng lên 2. Hệ số an toàn ổn định, chống lật, chống chìm đều được yêu cầu tăng cường gấp đôi. Ngoài ra, các chế độ trực ban, kiểm tra, điều hành phương tiện được đặc biệt chú ý. Đây là những vấn đề đem lại thành công cho du lịch Quảng Ninh, trong đó, yêu cầu đảm bảo an toàn là tiêu chí số một của du lịch Quảng Ninh những năm qua.

Kiên quyết đưa ngư dân lên bờ

Vừa rồi một số du khách nổi tiếng phàn nàn về việc họ bị những người bán rong trên vịnh ép mua hàng với giá "chặt chém", theo ông, có biện pháp gì để ngăn chặn?

Thông tin này cần quan tâm nhưng mức độ tin cậy thì chúng tôi đang cùng các cơ quan chức năng của Hạ Long kiểm tra lại. Có thể có những hành vi chưa thật văn hóa trong quá trình phục vụ, vì bà con trong vịnh phần lớn đi lên từ ngư nghiệp, nhưng như chúng tôi đã chia sẻ, cần thời gian để xây dựng nếp sống văn hóa của ngành du lịch. Điều này cũng được ngành du lịch Quảng Ninh quan tâm. Việc kiểm tra, xử lý và giáo dục luôn được đặt ra. Các năm qua, chúng tôi đã mở hàng chục lớp huấn luyện cho thuyền viên các tàu du lịch, nhân viên bán hàng lưu niệm, bán ở các chợ góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, ý thức văn hóa chung của cộng đồng trong phát triển du lịch. Chúng tôi mong rằng, cùng với quyết tâm của tỉnh, ngành văn hóa sẽ cùng người dân điều chỉnh vấn đề này.

Được biết, tỉnh có kế hoạch đưa ngư dân làng chài lên bờ. Song nhiều du khách cho rằng cuộc sống của người dân làng chài chính là nét văn hóa thu hút du khách. Liệu thực hiện kế hoạch này, Quảng Ninh có làm mất đi sự hấp dẫn của du lịch?

Dù làng chài là nét văn hóa, nhưng phải phát triển hài hòa, chúng ta không thể chỉ thỏa mãn nhu cầu du khách mà để lại cả một vấn đề cho xã hội. Chúng ta phải quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế xã hội bền vững. Sắp xếp, tổ chức lại và di chuyển dân lên bờ là vấn đề rất lớn, Đảng ủy, UBND tỉnh đã giao Sở VHTTDL xây dựng đề án cho vấn đề này.

Trong việc này, chúng tôi lấy giáo dục, thuyết phục làm đầu, trong đó, giáo dục ngư dân, con em họ. Chúng tôi sẽ sắp xếp lại hoạt động của bà con ở làng chài, bố trí đưa họ đưa lên bờ sống để được chăm sóc toàn diện về y tế, giáo dục, được học hành đầy đủ, để hòa nhập được với xã hội. Cải tạo được thói quen, thay đổi được tập tục truyền thống của ngư dân là không dễ nhưng tỉnh quyết tâm thực hiện.

Cùng với việc đưa ngư dân lên bờ, chúng tôi sẽ quản lý hoạt động bán hàng lẻ bằng thuyền nan nhỏ trên vịnh. Đang có các dự án tổng thể về việc quy hoạch, sắp xếp các hoạt động làm sao để dịch vụ bán hàng vừa đảm bảo có các nét văn hóa truyền thống của ngư dân nhưng đảm bảo lịch sự. Đề án đã xây dựng xong và sẽ áp dụng trong năm 2012, trong đó, tuyên truyền giáo dục; định hướng quy hoạch, đưa ngư dân lên bờ, đưa hoạt động dịch vụ phục vụ du lịch đến sự tiện lợi, văn minh, chấm dứt bán rong trên vịnh.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!

Hà An (thực hiện)


Nguồn: Báo Tổ quốc