Quảng Nam gắn kết văn hóa và du lịch

Cập nhật: 22/03/2012
Kết hợp hài hòa giữa du lịch và di sản luôn là bài toán đặt ra tại nhiều địa phương, nhất là khi du lịch ngày càng phát triển. Quảng Nam, địa phương có một điểm đến, hai di sản đã giải quyết bài toán này theo hướng lồng ghép văn hóa và du lịch nhằm phát triển bền vững, góp phần tạo nên điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách.

Thách thức khi có “một điểm đến, hai di sản”

Quảng Nam được biết đến là nơi có “một điểm đến, hai di sản” với đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn cùng một khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và nhiều làng nghề, kiến trúc Việt cổ như đình, chùa, đền, miếu, nhà ở,… có niên đại cách đây 300-500 năm… Chính vì sở hữu nhiều di sản mà du lịch địa phương phát triển nhanh. Năm 2011, Quảng Nam đã đón 2,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 1,2 triệu lượt khách quốc tế. Trong những năm qua, hàng loạt khu du lịch, khu lưu trú, khu nghỉ dưỡng ra đời. Thách thức đối với Quảng Nam là làm thế nào để xây dựng một kế hoạch chiến lược, trong đó tăng cường lợi ích cộng đồng, phát triển cao nhất tiềm năng du lịch nhưng vẫn đảm bảo giữ gìn, bảo tồn nguyên vẹn di sản.

Ông Trần Minh Cả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, điều khó khăn nhất tại địa phương là làm sao không để du lịch phát triển “nóng”, gây hại đến di sản. Tình hình thực tế ở Quảng Nam trước đây, các di sản kiến trúc dần dần xuống cấp, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chưa có sự gắn bó mật thiết với nhau, chất lượng sản phẩm du lịch tại địa phương chưa được tốt. Ngay cả ba điểm đến chủ đạo của địa phương là Hội An, Mỹ Sơn và Cù Lao Chàm còn liên kết với nhau chưa chặt chẽ.

Trong quá trình kết hợp di sản với phát triển du lịch, Quảng Nam từng bước phải giải quyết những vấn đề chính như bảo tồn, phát huy giá trị của di sản, sự cam kết tham gia của cộng đồng, tính bền vững về môi trường, phát triển các tuyến và sản phẩm du lịch mới, cải thiện cho chiến lược du lịch hiện đại, tiếp thị và quảng bá du lịch văn hóa, phát triển nguồn nhân lực cho ngành Du lịch…

 

Gắn kết văn hóa và du lịch nhằm phát triển bền vững

Từ năm 2009, UNESCO đã hỗ trợ chính quyền tỉnh Quảng Nam xây dựng chiến lược lồng ghép văn hóa và du lịch hướng tới phát triển bền vững. Chiến lược này được xây dựng dựa trên phương pháp tiếp cận tổng thể đối với cả hai phương diện, phát triển du lịch bền vững và bảo tồn các di sản và giá trị văn hóa. Chiến lược lồng ghép văn hóa và du lịch của Quảng Nam nhận được sự quan tâm của rất nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế. Theo Đại sứ Ý tại Việt Nam - ngài Lorenzo Angeloni cho biết, hiện tại các dự án hợp tác phát triển của Ý cho Quảng Nam đã lên tới 16 triệu Euro, trong đó có cả các dự án dạy nghề về bảo tồn và trùng tu di sản.

Theo ông Đinh Hài, giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, trong những năm qua, tỉnh đã lọc ra một chương trình để trùng tu các di sản đang xuống cấp, đánh giá chất lượng du lịch từ du khách, đào tạo hệ thống hướng dẫn viên du lịch. Vấn đề ưu tiên ở cả ba khu vực này là ưu tiên về bảo tồn và trùng tu di tích, ưu tiên về bảo vệ môi trường và hệ sinh thái. Đối với Hội An, Mỹ Sơn, tỉnh đã tiến hành việc phục hồi các di sản vật thể và phi vật thể, tăng cường quản lý di sản. Đồng thời, tiến hành các hoạt động bảo vệ môi trường, nạo vét sông ngòi. Với Cù Lao Chàm, ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, như xem san hô, cắm trại, nghỉ dưỡng... Trong chiến lược này, cộng đồng địa phương sinh sống xung quanh khu vực các điểm di sản Hội An, Mỹ Sơn và khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm đóng vai trò trung tâm. Việc phát triển bền vững đối với ngành Du lịch của Quảng Nam còn được đảm bảo khi tự người dân tại địa phương có ý thức giữ gìn văn hóa, di sản và chỉ được thực hiện khi cộng đồng được hưởng lợi từ du lịch.

Khi du lịch ngày càng phát triển, lượng khách tăng lên mà di sản thì không thể “lớn lên”, Quảng Nam đã giảm mật độ du khách đến với khu vực Mỹ Sơn và Hội An bằng cách triển khai nhiều loại hình du lịch khác như du lịch sông nước Cẩm Thanh, du lịch sông nước Trà Nhiêu, du lịch sông Thu Bồn, khai thác các điểm du lịch khu vực miền Tây của Quảng Nam, đầu tư vào các làng nghề truyền thống, lễ hội trong tỉnh… nhằm góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch và giảm áp lực với di sản. Nhờ vậy, trong những năm qua, du lịch Quảng Nam đã đạt mục tiêu tăng trưởng chất lượng, thay vì số lượng, và đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững khi lồng ghép văn hóa và du lịch.

 

Nguồn: Baodulich.net.vn