Du khách tham quan, chiêm ngưỡng ''Cây di sản Việt Nam''

Cập nhật: 13/04/2012
Khoảng những năm 1964-1965, thiếu nhi chơi đùa đốt tổ dơi ở trên ngọn cây Thị đã sơ ý để tàn lửa bén xuống gốc cây làm cho thân cây cháy âm ỉ suốt mấy ngày, dân làng phải gọi xe cứu hỏa giúp sức mới dập tắt được. Từ đó cây Thị rỗng ruột nhưng nó vẫn sống hiên ngang, hùng vĩ, hàng năm vẫn đâm chồi nảy lộc và đơm quả ngọt hương thơm.

Nhiều người dân trong làng kể, trong một trận mưa bão lớn, cây Thị bị gãy ngọn, gẫy cành rơi xuống đất ngổn ngang nhưng nó đều tránh không làm hư hại mái đình, mái chùa ở ngay bên cạnh và sau đó vẫn không ngừng đâm chồi, nảy lộc.

Qua bao thế hệ, ngôi đình và cây Thị cổ thụ đã để lại dấu ấn sâu đậm trong ký ức của mỗi người dân Ngô Nội. Dù đi đâu, ở đâu thì người dân Ngô Nội vẫn luôn nhớ về hình ảnh cây Thị hùng vĩ rợp bóng xanh mát bên mái đình làng. Bởi thế, suốt thời gian qua, chẳng cần ai vận động, không có cơ quan nào tài trợ, nhưng bà con vẫn tự giác bảo vệ, chăm sóc cây Thị cổ thụ và ngôi đình cổ này. Nhờ thế, cây Thị cổ thụ vẫn quanh năm tỏa bóng xanh mát giữa khu dân cư đông đúc. Cuối năm 2011 vừa qua, cây Thị đã được vinh danh là “Cây di sản Việt Nam”.

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết: Cả nước hiện có hơn 100 cây được vinh danh là Cây di sản Việt Nam, trong đó cây Thị cổ thụ ở đình làng Ngô Nội là một trong số ít cây di sản có tuổi đời lâu năm mang một vẻ đẹp hùng vĩ, độc đáo và quý hơn cả là nó tọa lạc xanh mát xum xuê ngay giữa khu dân cư đông đúc.

Ông Nguyễn Như Hải, 75 tuổi, Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi thôn Ngô Nội chia sẻ: Đây là cây cổ thụ đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh được tôn vinh là Cây di sản Việt Nam. Niềm vinh dự, tự hào này sẽ là sự động viên khích lệ, nhắc nhở người dân bảo vệ, chăm sóc, gìn giữ. Đối với tất thảy người dân Ngô Nội, cây thị không chỉ đơn thuần là một cây tự nhiên mà đã trở thành một phần máu thịt, là chứng nhân, điểm tựa về tinh thần vừa biểu thị cho sức mạnh, sự trường tồn nơi đất lành.

Bà con làng Ngô Nội trân trọng, gìn giữ cây thị và khu di tích lịch sử đình làng, tiếp tục trùng tu, nâng cấp các công trình bổ trợ xung quanh cây Thị cổ thụ, để nơi đây thực sự trở thành trung tâm văn hóa, khu du lịch sinh thái không chỉ của người dân địa phương mà còn thu hút du khách thập phương đến tham quan, chiêm ngưỡng. Rất mong các cơ quan chức năng, các nhà khoa học quan tâm, giúp đỡ về kỹ thuật quản lý, bảo vệ, chăm sóc để cây Thị cổ thụ mãi mãi xanh tươi, đời đời tỏa bóng.

Nguồn: vacne.org.vn