Đưa hoạt động kinh doanh du lịch về vùng quê nghèo: Giúp đồng bào dân tộc phát triển kinh tế

Cập nhật: 08/05/2012
Đối với những vùng quê nghèo như hai xã Tà Lài, Đăk Lua (thuộc huyện Tân Phú, Đồng Nai), việc người dân được tham gia kinh doanh du lịch thật sự rất có ý nghĩa.

Người dân nghèo nơi đây không những được tiếp cận cách phát triền kinh tế mới, mà qua đó còn được giáo dục nâng cao nhận thức về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường sống và giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương. Những hình thức kinh doanh của họ tuy mới bắt đầu khởi động nhưng hứa hẹn một sự phát triển bền vững.

Rất nhiều tiềm năng

Tà Lài, Đăk Lua được biết đến là hai xã nghèo, khó khăn so với các xã khác của tỉnh Đồng Nai. Nhưng bù lại, hai xã vùng đệm áp sát Vườn Quốc gia Cát Tiên này lại có nhiều ưu thế để phát triển du lịch cộng đồng. Nhất là khi Vườn Quốc gia Cát Tiên đang trở thành địa điểm được du khách ưa thích.

Xã Tà Lài là nơi tập trung 11 dân tộc: Kinh, S’Tiêng, Châu Mạ, Tày, Choro, Xray, Ê Đê, Khme… chung sống. Trong đó, đồng bào dân tộc S’Tiêng, Châu Mạ và Tày lưu giữ được nhiều những bản sắc dân tộc mình như các lễ hội đâm trâu, cúng thần linh (Yang), lễ hội cầu mưa... Đồng bào dân tộc S’Tiêng, Châu Mạ đã sớm hình thành cộng đồng và tồn tại cùng với rừng Cát Tiên từ hàng nghìn đời. Rừng gắn bó với dân và là môi trường hình thành và phát triển những phong tục tập quán, những phẩm chất tốt đẹp của cộng đồng. Năm 1978, sau khi khu rừng cấm được thành lập, UBND tỉnh Đồng Nai đã vận động và đưa các hộ này đang sống rải rác trong rừng ra sống định canh định cư tại ấp 4 của xã Tà Lài. Bên cạnh đó, người Tày di cư từ các huyện Trùng Khánh, Hạ Lang (Cao Bằng), Ngân Sơn (Bắc Kạn) vào sinh sống tại ấp 7 từ năm 1984 đến năm 1994. Người Tày ở ấp 7 còn duy trì lễ Lồng Tổng, lễ Tung Còn được tổ chức vào những dịp đầu năm. Mỗi dân tộc có phong tục tập quán khác nhau, tạo nên sự phong phú hấp dẫn du khách.

Còn xã Đăk Lua - vốn là nơi đóng quân của Trung đoàn I (Sư đoàn 600) từ những năm 1970. Do vậy, dân cư ở đây phần lớn là các cựu chiến binh đến từ các tỉnh phía Bắc. Họ mang theo cả những nét văn hóa truyền thống, ẩm thực của các địa phương này.

Ngoài ra, sông Đồng Nai đoạn chảy qua địa phận xã Đắk Lua uốn khúc bao quanh một phần diện tích và hình thành ranh giới tự nhiên cho xã. Trên vùng đất bằng phẳng là các cánh đồng lúa nối tiếp nhau rộng lớn, tạo thành cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời. Đắk Lua còn có vị trí nằm giáp ranh với Vườn Quốc gia Cát Tiên và trong vùng giáp ranh giữa 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước, tạo thuận lợi trong phát triển các tour du lịch kết nối giữa VQG Cát Tiên với các điểm du lịch lân cận như khu di chỉ khảo cổ học của huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, các điểm du lịch của tỉnh Bình Phước.

Thế mạnh của Tà Lài là văn hóa truyền thống và dựa vào rừng nên sản phẩm du lịch cộng đồng của Tà Lài khá đa dạng. Du khách có thể đi bộ tham quan ấp 4, trường học, nhà văn hóa và phòng truyền thống, cầu treo và tượng đài Ngục Tà Lài; hoặc tham gia vào các hoạt động lao động sản xuất cùng với người dân (trồng lúa); hoặc tìm hiểu về dệt thổ cẩm, đan lát, rèn, và giao lưu văn nghệ, ẩm thực địa phương. Du khách có thể đi bộ hay ca nô từ Tà Lài theo các tuyến trong Vườn Quốc gia Cát Tiên (Đồi Xanh - Bầu Sấu hay Tà Lài - Đồi Đất Đỏ - Sa Mách).

Trong khi đó, mô hình homestay (ngủ tại nhà dân địa phương) được cho là thế mạnh của xã Đắk Lua. Mô hình homestay phát triển ở xã Đắk Lua vì hai lý do. Thứ nhất homestay là xu hướng mới của ngành du lịch, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Xã Đắk Lua là địa điểm gần rừng cấm nhất với nhiều đường dạo thanh bình, nhiều cửa hàng địa phương và con người thân thiện, mến khách sẽ mang lại nhiều trải nghiệm cho du khách. Thứ hai, khi đi bộ tham quan hết rừng cấm du khách không thể quay lại ngay tại điểm khởi đầu trong ngày mà cần một nơi để nghỉ ngơi, thư giãn.

Người dân được hưởng lợi

Với mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng bền vững, Ban quản lý dự án phát triển du lịch sinh thái của Vườn Quốc gia Cát Tiên đã xây dựng các mô hình liên kết giữa các công ty du lịch, chính quyền và người dân địa phương. Nhờ vậy, quyền lợi của người dân khi tham gia kinh doanh du lịch được đảm bảo.

Bà Phạm Thị Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Lài cho biết, khi triển khai dự án du lịch cộng đồng, Ban quản lý dự án đã xác định phải thành lập được một tổ hợp tác liên kết người dân địa phương để đứng ra quản lý tài sản, nhân lực và thực hiện công tác liên kết với các đơn vị du lịch. Số tiền đóng góp thấp nhất là 100.000 đồng/người để tất cả mọi người dân đều có thể tham gia đóng góp, tránh tình trạng lợi nhuận chủ yếu tập trung vào một số người có khả năng kinh tế đóng góp nhiều thì được hưởng lợi nhiều. Hiện tại, Tổ hợp tác có 19 người và đang ký kết với Công ty Du lịch Lữ hành Viet Adventure. Công ty sẽ đưa khách du lịch các địa điểm trong hai ấp. Từ đấy, người trong tổ hợp tác với tư cách là hướng dẫn viên sẽ hướng dẫn khách tham quan, ăn uống. Lợi nhuận thu được chia theo hình thức 50/50 và được chia đều cho các xã viên.

Ông Nguyễn Văn Hanh, ở ấp 4 tổ 3, xã Đăk Lua, một trong ba hộ đang tham gia dịch vụ homestay phấn khởi chia sẻ: Mô hình homestay là mô hình mới và cần nhiều điều kiện mới có thể tham gia được. Do vậy, Ban quản lý dự án mới triển khai cho một số hộ sau đó sẽ triển khai dần cho tất cả các hộ trong xã. Thông qua UBND xã Đăk Lua, các hộ đã liên kết được với công ty Inno Việt. Cũng với hình thức phân chia lợi nhuận như xã Tà Lài, ước tính trong năm 2012 thu nhập bình quân hàng tháng của mỗi hộ là khoảng 6,9 triệu đồng. Ngoài ra, một phần nhỏ sẽ được trích ra để hỗ trợ cho các lễ hội văn hóa, trẻ em nghèo hiếu học, người già không nơi nương tựa, trồng cây xanh… nhằm đảm bảo cho mọi thành viên trong hai xã đều được hưởng lợi từ du lịch.

Không chỉ thế, điều được hơn cả là thông qua hình thức liên kết này, người dân địa phương được học hỏi kinh nghiệm quản lý, thiết kế tour du lịch, các kỹ năng cần thiết khác để hướng dẫn khách nước ngoài. Từ đó, sẽ hình thành nên nền tảng vững chắc cho hoạt động kinh doanh du lịch sau này. Anh K’Yên, người Châu Mạ, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: “Hầu hết đồng bào trong Tổ hợp tác chưa học hết cấp I, nên việc học cách thức kinh doanh, ngoại ngữ… là điều vô cùng khó khăn. Nhiều người đã từng nghĩ sẽ bỏ cuộc. Nhưng nghĩ lại, nếu mình bỏ thì ai sẽ làm, và người dân mình sẽ chỉ mãi lên rừng hái măng, săn bắn. Do vậy, mọi người lại động viên nhau cùng học, cùng làm. Hơn nữa, học hỏi để sau ba năm hết hợp đồng với công ty du lịch, Tổ hợp tác sẽ đủ sức để điều hành mọi hoạt động từ thiết kế tour, tiếp thị sản phẩm du lịch”.

“Không những giáo dục tuyên truyền bà con bảo vệ rừng, mục đích phát triển du lịch cộng đồng tại hai xã còn góp phần giúp người dân hiểu được sự cần thiết của việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Vì nhiều lý do, các lễ hội, các hoạt động dệt thổ cẩm, đan lát, gùi… của đồng bào dân tộc nơi đây đã mai một dần; nhất là nghề dệt thổ cẩm, dù đã được Nhà nước đầu tư xây dựng nhà xưởng để làm nơi bà con tập trung nhau lại dệt, tuy nhiên, vì không có đầu ra (chỉ bán các sản phẩm dệt trong dịp lễ hội), nên hoạt động trong nhà xưởng hiện gần như đã ngừng hẳn. Cho nên, nếu các sản phẩm dệt được tiêu thụ thông qua việc bán cho khách du lịch, sẽ góp phần không nhỏ trong việc khôi phục nhà xưởng cũng như một làng nghề truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số” - anh K’Yên chia sẻ.

Lan Phương


Nguồn: Báo Tin tức