Chưa đảm bảo ATGT đường thủy ở Tam Cốc - Bích Động

Cập nhật: 24/05/2012
“Các ông bà cứ yên tâm đi, vì mấy năm nay không có vụ lật thuyền nào, mới lại sông này không sâu lắm đâu, đừng lo, nếu mà có lật thuyền thì cứ ôm lấy thuyền là an toàn”

Mặc dù  Bộ Giao thông vận tải và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã có thông tư, chỉ thị về việc trang bị phao cứu sinh cho phương tiện thủy và áo phao cho khách đi thuyền, đò trên sông, nhưng hiện nay, một số  tổ chức, cá nhân sử dụng bến thủy nội địa để kinh doanh, khai thác vận tải hành khách ngang sông cũng như chủ phương tiện, người lái phương tiện vận tải hành khách trên sông xem nhẹ, thậm chí coi thường vấn  đề này. Các nhà thuyền du lịch thuộc Khu sinh thái hang động Tràng An và Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động thuộc huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình là một ví dụ.

Đi thuyền không cần áo phao?

Khu sinh thái hang động Tràng An và Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động thuộc huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình là những quần thể du lịch với nhiều tuyến điểm du lịch bằng sông nước, đi qua hàng chục hang động rất kỳ thú, hấp dẫn. Nhưng rất tiếc, ở cả hai khu du lịch này, vấn đề bảo đảm an toàn thủy cho khách du lịch đang bị xem nhẹ. Có thể nói là đáng báo động.

Tại  bến thuyền  du lịch của Khu du lịch sinh thái Tràng An và Tam Cốc- Bích Động, chúng tôi chứng kiến hàng trăm chiếc đò chở khách du lịch, mỗi chiếc chở 5 người  không hề được trang bị áo phao. Các dòng sông ở hai khu du lịch này có độ dài hàng km với độ sâu hàng mét nước, có chỗ   uốn lượn qua nhiều hang động thấp và tối, thử hỏi khi chẳng may xảy ra lật thuyền  du khách sẽ ra sao? Nhất là các cụ già và em nhỏ. Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn là khi chúng tôi đề nghị được trang bị áo phao khi đi thuyền, chủ nhà thuyền thuộc Ban quản lý Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động thuộc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình ngang nhiên nói rằng, không cần phải sử dụng áo phao, rằng các ông bà cứ yên tâm đi, vì mấy  năm nay không có vụ lật thuyền nào, mới lại sông này không sâu lắm đâu, đừng lo, nếu mà có lật thuyền thì cứ ôm lấy thuyền là an toàn, vì thuyền này nhẹ nên không chìm mà sợ? Không hiểu những chủ phương tiện này không biết mức độ nguy hiểm trên sông nước hay cố tình không tuân thủ các qui định an toàn giao thông thủy mà nhà nước đã ban hành?

Mối nguy hiểm chực chờ!

Được biết, trung bình mỗi năm, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động đón trên 25 vạn lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 35% thu phí trên 10 tỷ đồng. Để phục vụ khách du lịch ngày càng đông, đội ngũ thuyền, đò của cả hai khu du lịch trên cũng phình ra hàng ngàn chiếc. Đội ngũ điều khiển phương tiện chính là người dân địa phương. Khi nông nhàn, họ tham gia chèo thuyền đưa đón du khách kiếm thêm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi chuyến đi, họ được nhà thuyền trả từ 70.000 – 100.000 đồng. Khách du lịch cũng "bo" cho từng ấy nữa. Nhưng do phương tiện quá đông, họ cũng phải ngồi chờ nhà thuyền xếp tài.

Với một đội ngũ thuyền viên nghiệp dư như vậy, không chỉ nghiệp vụ lái thuyền mà các quy định tối thiểu của ngành giao thông về an toàn đường thủy rồi Luật Giao thông đường thủy nội địa họ đâu được tập huấn, trang bị? Và như vậy, mối nguy hiểm trên các tuyến sông luôn chực chờ khách du lịch.

Đề nghị các cơ quan chức năng mà đặc biệt là Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Thanh tra giao thông tỉnh Ninh Bình, UBND huyện Hoa Lư và chính quyền địa phương nhanh chóng thực hiện ngay các qui định an toàn giao thông thủy ở các khu du lịch nói trên, đặc biệt là Thông tư 15/2012 của  Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành quy định về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện thủy nội địa đảm bảo an toàn cho du khách khi đến các điểm tham quan sông nước nói trên. Không có áo phao, phương tiện thủy và khách du lịch nhất quyết không lưu thông./.

Nguyễn Hồng Hải

 

Nguồn: VOV-TP HCM