Trong vòng 10 năm, từ hơn 4.000 nhà vườn trên toàn thành Huế nay chỉ còn chưa đến 2.000 nhà, phần lớn đều trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.
Nhà vườn Huế là một nét đặc sắc trong kiến trúc đô thị Huế, được lưu giữ và bảo tồn qua hàng trăm năm nay. Kiến trúc nhà vườn Huế tạo nên sự gần gũi giữa con người với thiên nhiên, giữa làng với phố…để làm nên nét dịu dàng quyến rũ độc đáo của Huế.
Chẳng thế mà ông M Baw - nguyên Tổng giám đốc UNESCO đã ngỡ ngàng thốt lên khi đến Huế “...Thành phố Huế là một bài thơ tuyệt tác về kiến trúc đô thị. Mẫu mực về kiến trúc cân đối mà hài hoà, tự nhiên đến nỗi người ta quên bàn tay con người đã tạo ra nó...”. Còn Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thì cho rằng “nhà vườn Huế là nơi cư ngụ của tâm hồn, là chút di sản tinh thần để lại cho con cháu mai sau…”.
Theo số liệu khảo sát năm 2002 trên toàn bộ 25 xã phường của UBND thành phố Huế, toàn thành phố hiện có 4.228 nhà vườn có diện tích từ 600m2 – 1.500m2 trở lên, trong đó có 705 nhà rường và 150 nhà cổ tiêu biểu được đưa vào danh sách bảo tồn đặc biệt.
Nhiều ngôi nhà vườn nổi tiếng đã trở thành địa chỉ tham quan, nghiên cứu thường xuyên của du khách trong và ngoài nước như: Lạc Tịnh Viên, Nhà vườn An Hiên, Phủ thờ Ngọc Sơn Công chúa, hệ thống nhà vườn Phú Mộng Kim Long… Đặc biệt Lạc Tịnh Viên ở 73 Phan Đình Phùng, thành phố Huế, được xem là một trong những nhà vườn tiêu biểu nhất ở thành phố Huế hiện nay. Lạc Tịnh viên vừa có kiến trúc cổ, lại bố trí hài hòa theo luật phong thủy đặc trưng của đất Cố đô. Các Phường có mật độ nhà vườn nhiều như Kim Long, Thuận Lộc, Thuận Hòa, Thuận Thành, Phú Cát, Phường Đúc… một thời đã trở thành niềm tụ hào của người dân xứ Huế.
Thế nhưng, hiện nay “bài thơ đô thị”, “nơi cư ngụ của tâm hồn Huế” ấy, đang đứng trước nguy cơ mất dần với tốc độ ngày một nhanh. Theo thống kê mới đây của UBND thành phố Huế, trong số 150 ngôi nhà vườn được được vào danh sách bảo tồn đặc biệt trong đợt khảo sát năm 2002, nay chỉ còn lại 52 ngôi nhà vườn, nhưng trong tình trạng đang xuống cấp nặng nề, còn 98 nhà vườn đã bị xóa sổ.
Con số hơn 4.000 nhà vườn trên toàn thành phố nay chỉ còn chưa đến 2.000 nhà, phần lớn đều trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, hoặc vẫn còn nhà nhưng vườn đã bị chia năm xẻ bảy, xây dựng nhà ở, chuyển nhượng, cho thuê… Thậm chí nhiều nhà vườn đã bị xóa trắng trong cơn sốt nhà rường cổ xảy ra thời gian qua ở Huế.
Các phường “chảy máu” nhà vườn nhiều nhất là Phú Hội, Phú Hiệp với 100% nhà rường bị biến dạng, tiếp đến là các phường Thuận Thành, Thuận Hòa, Phú Cát, Phường Đúc… Điển hình như, ngôi nhà vườn 38/3 Lê Thánh Tôn thuộc vùng Thành nội Huế, ngôi nhà 96 Nguyễn Chí Thanh ở phố cổ Gia Hội, ngôi nhà số 4 Phú Mộng Kim Long, 64 Hàn Thuyên…từng nằm trong danh sách 150 nhà vườn tiêu biểu cần được bảo tồn tôn tạo, nhưng nay chỉ còn lại trên giấy.
Nguyên nhân của thực trạng nhà vườn Huế bị xóa sổ trước hết là do sức ép nhà ở, đất ở gia tăng nhanh trong mỗi gia đình. Thêm vào đó là sự xuống cấp nhanh của các ngôi nhà đã hàng trăm năm tuổi, mà các chủ nhà vườn không đủ nguồn lực để duy trì sửa chữa tôn tạo. Thực tế, rất nhiều chủ nhà vườn cũng xót xa khi phải phá đi, bán đi di sản đặc sắc của cha ông để lại. Nhưng trong dòng chảy của thị trường họ cũng đành bất lực, không thể ngồi chết đói trên di sản của mình.
Một trong những nguyên nhân nữa làm “chảy máu” nhà vườn Huế, nhưng ít được nhắc đến trong các báo cáo đánh giá của các cơ quan chức năng là sự chậm trễ, bất cập trong các chính sách của địa phương về bảo tồn tôn tạo hệ thống nhà vườn.
Cụ thể, từ năm 2002, sau khi khảo sát đánh giá hiện trạng của hệ thống nhà vườn, nhưng mãi đến năm 2006, HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế mới có nghị quyết về “Chính sách bảo vệ nhà vườn Huế giai đoạn 2006-2010” - làm cơ sở để UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt “Đề án chính sách bảo vệ nhà vườn Huế giai đoạn 2006-2010” cùng danh mục 150 nhà vườn tiêu biểu.
Theo đề án này thì chủ nhà vườn Huế, khi trùng tu, tôn tạo nhà được hỗ trợ 100% chi phí khảo sát, thiết kế trùng tu nhà vườn theo định mức quy định của Nhà nước; hỗ trợ 70% kinh phí trùng tu, tôn tạo nhà, nhưng tối đa không vượt quá 100 triệu đồng/nhà.
Đổi lại với việc hỗ trợ này, nhà vườn Huế được quản lý theo các quy hoạch chi tiết đã được UBND tỉnh phê duyệt và các quy định hiện hành của pháp luật như: nhà vườn Huế phải được bảo tồn nguyên trạng những giá trị kiến trúc đã có trên cơ sở hồ sơ và kết luận của Hội đồng đánh giá, thẩm định phân loại nhà vườn Huế. Các hoạt động đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp phải đảm bảo nguyên tắc phục hồi, phục chế, tôn tạo lại kiến trúc vốn có…
Tuy nhiên, gần 4 năm sau (tháng 11/2009), UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế mới ban hành quyết định quy định một số chính sách quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế. Và phải mãi đến ngày 25/11/2010 mới ban hành quyết định thành lập “Quỹ bảo tồn nhà vườn Huế”.
Như vậy, từ khi có Đề án đến khi thành lập được Quỹ bảo tồn thì gần 100 nhà vườn đã bị xóa sổ. Thực tế này làm nhiều người e ngại rằng, để đến khi triển khai cho được quỹ này thì nhà vườn Huế sẽ không còn nữa.
Để trấn an các chủ nhà vườn, mới đây, ngày 1/3/2012 UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế khẳng định lại chắc chắn, sẽ quyết liệt chỉ đạo thực hiện chính sách bảo vệ nhà vườn Huế theo đề án được thông qua năm 2006. Tuy nhiên, với một đề án đã hết hiệu lực và nguồn vốn hỗ trợ cho trùng tu tôn tạo nhà vườn Huế tối đa 100 triệu đồng trong thời giá hiện nay là điều rất khó thực hiện.
Nếu không có những giải pháp đồng bộ tích cực và quyết liệt hơn thì quyết tâm bảo tồn nhà vườn Huế vẫn chỉ là dự án trên giấy và các chủ nhà vườn vẫn lực bất tòng tâm./.