Theo Bí thư tỉnh Quảng Ninh Phạm Minh Chính, tiềm năng tự nhiên, xã hội và con người Quảng Ninh đem đến những cơ hội độc nhất vô nhị để phát triển kinh tế bền vững.
Để hiện thực hóa điều đó cần chuyển từ nền kinh tế chủ yếu dựa vào tài nguyên hữu hạn, sang nền kinh tế xanh thân thiện với môi trường. Mới đây, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã trình Bộ Chính trị đề án phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) Quảng Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 xin cơ chế đặc thù để phát triển.
Xin cơ chế đặc thù
Mục tiêu của đề án là xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những đầu tầu kinh tế của miền Bắc. Để làm được điều đó phải tích cực chuyển đổi phương thức phát triển, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển từ kinh tế "nâu” chủ yếu dựa vào tài nguyên hữu hạn và nhân công giá rẻ, sang kinh tế "xanh” bền vững, thân thiện với môi trường, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.
Cũng theo Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Minh Chính: Quảng Ninh có vị trí địa chiến lược đặc biệt, điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng, có vịnh Hạ Long 2 lần được công nhận là Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới, vịnh Bái Tử Long với điều kiện sinh thái đặc sắc, có hơn 600 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; có nguồn tài nguyên khoáng sản giàu có. Quảng Ninh có hai địa bàn giàu tiềm năng, thế mạnh là Vân Đồn và cửa khẩu Móng Cái, tạo thành hai điểm đột phá trong phát triển… Do vậy, trong đề án trình Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Quảng Ninh xin Bộ Chính trị cho cơ chế đặc thù để xây dựng thí điểm hai đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là thành phố Vân Đồn và thành phố Móng Cái, tạo nền tảng để Quảng Ninh phát triển nhảy vọt, toàn diện sau năm 2020, trở thành đặc khu hành chính - kinh tế trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP từ nay đến 2020 là 14%/năm, GDP bình quân đầu người đạt 4.000 USD (năm 2015) và trên 8.000 USD (năm 2020). Năm 2020 có cơ cấu kinh tế: dịch vụ trên 51%, công nghiệp dưới 45%, nông nghiệp 4%...
Phát triển đa chiều
Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và thí điểm xây dựng hai đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn - Móng Cái” gồm 4 phần, với mục tiêu phấn đấu xây dựng Quảng Ninh thành một địa bàn động lực, xứng đáng là cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ của Vành đai kinh tế Vịnh Bắc bộ…
Về phát triển KT-XH, tỉnh Quảng Ninh xác định phương châm là "Một tâm - Hai tuyến - Đa chiều - Hai mũi đột phá”. Trong đó "tâm” là thành phố Hạ Long; "hai tuyến” là tuyến phía Tây (gồm Ba Chẽ, Hoành Bồ, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều) hướng về đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội; tuyến phía Đông (gồm Cẩm Phả, Móng Cái, Vân Đồn, Cô Tô, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà) đi từ Hạ Long tới Móng Cái và hướng tới khu vực Đông Bắc Á; "đa chiều” là sự phát triển không bị giới hạn bởi địa giới hành chính, có tính chất động và mở; "hai mũi đột phá” là xây dựng và phát triển 2 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt là Vân Đồn và Móng Cái (đây cũng là nội dung mang tính mạnh bạo, đột phá của đề án). Nếu được Bộ Chính trị chấp thuận, Quảng Ninh sẽ xây dựng Vân Đồn trở thành thành phố biển tiêu biểu, trung tâm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và cửa ngõ giao thương quốc tế. Móng Cái sẽ là thành phố cửa khẩu quốc tế hiện đại ngang tầm khu vực; giữ vai trò là cửa ngõ hợp tác quan trọng giữa Việt Nam, ASEAN với Trung Quốc...
Như vậy, với vị trị địa lý là một tỉnh nằm trong hành lang kinh tế gồm Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, cũng như tiềm năng thế mạnh về tài nguyên khoáng sản than, khoáng sản biển, tiềm năng du lịch... đề án của Quang Ninh mở ra một hướng đi mới cho tỉnh này để phát triển KT - XH một cách bền vững, trường tồn. Hơn thế nữa, các trục giao thông được mở mang sẽ giúp cho Quảng Ninh sớm trở thành một trong những tỉnh phát triển kinh tế hàng đầu ở Bắc bộ.