Cúc Phương - Vườn Quốc gia đầu tiên

Cập nhật: 23/10/2012
Dân dã ngoại thường kháo nhau : “Muốn coi thú phải vào Cát Tiên, muốn tắm thác lên Bạch Mã, muốn xem cây và chim thì đến Cúc Phương”. Cúc Phương là vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam, được thành lập năm 1966, có diện tích hơn 22.000 ha, thuộc các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình.

So với các vườn quốc gia đàn em thì Cúc Phương có nhiều lợi thế hơn mà ấn tượng nhất là cây. Giữa rừng già, những cây đại thụ to vật vã, hàng chục người ôm chưa xuể, ngửa hết cổ vẫn chưa thấy ngọn. Hệ thực vật Cúc Phương cực kỳ phong phú với 229 họ, 1.007 chi, hơn 2.200 loài; trong đó có 3 loài đặc hữu là Hồ Trăn, Mua và Cui. Rừng Cúc Phương là nơi các tầng được phân chia rõ nét mà cao nhất là tầng vượt tán có thể trên 40m. Các tầng tiếp theo là tầng tán chính, tầng dưới tán, tầng thảm tươi, tầng thực vật ngoại (chủ yếu là dây leo). Chúa tể thực vật Cúc Phương là cây Chò hơn ngàn năm tuổi, cao chừng 50 m, gốc đại thụ xoạc tứ phía, 20 người vòng tay ôm chưa hết. Nếu chia theo vách rễ, dư sức phân chỗ ở cho 2 gia đình tứ đại đồng đường. Cúc Phương còn có 296 loài cây thuốc, 229 loài cây có thể ăn trái và 140 loài phong lan…Trong vườn có nhiều cây kim giao, loại cây quý được dùng làm đũa cho vua chúa ngày xưa, vì gỗ có tác dụng thử độc. Trước khi dùng bữa, thực khách nhúng đũa vào thức ăn, đầu đũa sẽ báo hiệu có độc tố hay không. Các loại độc tố nguy hiểm nhưng không chết ngay như hiện nay thì đũa kim giao cũng bó tay, chỉ có phòng thí nghiệm mới phát hiện nổi .

Cúc Phương là bảo tàng sống đa dạng về cuộc sống. Có cả sông, núi, hồ, hang động, di chỉ khảo cổ cùng cả rừng cây, rừng thú. Động vật có xương sống ở Cúc Phương gồm 661 loài với 137 loài thú, 336 loài chim (có 40 loài dơi), 76 loài bò sát, 46 loài lưỡng cư, 66 loài cá. Động vật không xương sống có 1.899 loài gồm 454 loài bọ cánh cứng, 378 loài bọ cánh vảy, 314 loài bọ cánh màng...33 loài có tên trong sách đỏ thế giới như Voọc quần trắng, Báo hoa mai, Cầy vằn... 3 loài đặc hữu của Cúc Phương là Sóc bụng đỏ đuôi hoe, cá Niết và Thằn Lằn tai. Với 336 loài chim, Cúc Phương là điểm hẹn kỳ thú của dân mê xem động vật có cánh và biết bay. Tùy theo mùa, với ống nhòm và chịu khó lội bộ, kiên nhẫn chờ đợi, du khách có thể chiêm ngắm dung nhan của các loài chim, nhiều loài có tên gọi ngộ nghĩnh như : khướu đá hoa, chim giẻ cùi vàng, gà lôi trắng, gà tiền mặt vàng, gõ kiến xanh cổ đỏ, chim khách đuôi cờ, chim cắt bụng trắng, chim thầy chùa đít đỏ, chim đuôi cụt bụng vằn…Ngắm “trộm” chim giữa rừng là cái thú mê hoặc, sướng hơn nhiều khi xem chim công khai ở nhà hoặc trong vườn thú.

Mùa hè, Cúc Phương là vương quốc của bướm, có 280 loài. Dễ đến hàng chục ngàn con lớn, nhỏ, đủ màu, rủ nhau khoe sắc, tràn ngập các ngã đường rừng, tưng bừng hơn ngày hội. Những cánh bướm dệt nắng vàng lung linh, rực rỡ đến nao lòng. Đẹp thì đẹp thật nhưng hơi sợ. Tôi cứ bị ám ảnh bởi những con sâu róm ngỗ ngược, lúc nhúc, lỡ đụng vào là lãnh đủ vì ngứa tàn nhẫn. Chưa kể phấn bướm có thể làm hại mắt và gây dị ứng da. Mùa mưa, vắt Cúc Phương cũng nhộn nhịp nhưng chưa bằng một góc ở Cát Tiên. Quân số vắt chỉ ở cấp “đại đội” thay vì “trung đoàn”. Đến Cúc Phương, tôi thích đạp xe và lang thang độc thoại với rừng. Bỏ lại sau lưng mọi xô bồ phố thị, nhẩn nha chiêm ngắm cỏ cây, hít thở không khí đặc trưng của rừng già Việt Nam. Những thân đại thụ ngàn năm kiêu hãnh như cố nối đất với trời. Những cây đa bóp cổ kỳ quái tựa bàn tay phù thủy. Những dây leo kỳ dị khổng lồ bên cạnh những loài hoa bé nhỏ gan góc. Tất cả chung sống hòa bình, chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ. Các loài động vật dù ăn thịt lẫn nhau nhưng có qui luật cân bằng. Chỉ sợ con người can dự, hủy hoại thiên nhiên, làm đảo lộn môi trường sống của cả chính con người.

Tôi thích lắng nghe hơi thở của rừng, nhẹ nhàng nhường đường cho con cuốn chiếu. Mê ngắm những loài hoa dại, không đài các kiêu sa mà nồng nàn da diết, vẫn “đẹp hết mình vì cộng đồng cây cỏ” (Phùng Quán). Khoái nhất là gặp mấy chú bọ que hóa trang tài tình hay mấy nàng kỳ nhông đổi màu. Rồi những cây nấm lạ, những mảng rêu mượt mà xanh…Bao năm bỏ quê lên phố, quên cả núi rừng. Vậy mà rừng vẫn bao dung, niềm nở đón mừng và gọi về bao kỷ niệm tuổi thơ. Cúc Phương có khá nhiều điểm tham quan thú vị như hang Con Moong, hang Ngân Hàng, hang Sơn Cung, hang Phò Mã, hồ Yên Quang, suối nước nóng, đỉnh Mây Bạc, bản Mường, sông Bưởi, trung tâm cứu hộ rùa và thú linh trưởng, bộ xương hóa thạch...Động Người Xưa có niên đại gần chục ngàn năm, chứng nhân của bao đổi thay dâu bể. Hình như tổ tiên của loài người vẫn hiện hữu với cỏ cây muông thú. Loại hình du lịch ở Cúc Phương khá đa dạng. Từ tìm hiểu về động thực vật đến khám phá hang động. Từ chinh phục đỉnh Mây Bạc, chèo mảng trên sông Bưởi đến vào thăm bản Mường. Vào tham quan trung tâm cứu hộ thú linh trưởng, xem các chuyên gia nuôi và nhân giống thành công nhiều loài thú quí, để chung tay góp sức bảo vệ rừng, giữ gìn môi trường sống. Nhớ làm quen với Tilo Nadler, chuyên gia người Đức. Mối tình của Tilo với cô gái Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hiền đẹp như cổ tích đời nay. Dù chênh lệc về tuổi tác, khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ nhưng tình yêu thiên nhiên và cuộc sống đã gắn kết họ với Cúc Phương.

Năm 2011, Cúc Phương đón hơn 80.000 du khách đến tham quan, đa phần là nội địa. Dù gấp 4 lần lượng khách đến Cát Tiên nhưng so với vườn quốc gia Khao Yai (di sản thế giới của Thái Lan) gần 1.000.000 khách thì hết sức khiêm tốn. Việc xây dựng đường Hồ Chí Minh, dài 7km5, xuyên qua rừng Cúc Phương, dù là cầu cạn cũng tác động mạnh đến môi trường. Theo tôi, nên hạn chế việc ngủ lại đêm trong rừng. Cũng không cần thiết phải làm hội nghị giữa rừng. Ở Khao Yai, mọi dịch vụ lưu trú, ăn uống đều cách rừng mấy cây số với cả làng resort cùng các liên hợp trò chơi dã ngoại. Khách chỉ vào rừng tham quan với những qui định nghiêm nhặt. Website Cúc Phương thiên về du lịch và chưa phong phú. Cần hơn là những thông tin khoa học về vườn, còn du lịch chỉ là một mảng trong tổng thể. Để trở thành di sản thế giới trong tương lai gần, còn quá nhiều việc phải làm mà quan trọng nhất là thay đổi nhận thức của con người về du lịch rừng. Từ lãnh đạo, quản lý và tới từng người dân trong vùng. Bằng không, “Di sản thế giới” chỉ là để tự hào với chính mình, một biểu hiện của chủ nghĩa hình thức, căn bệnh nan y đang cản trở du lịch cất cánh và đất nước tăng tốc phát triển.

 

Nguyễn Văn Mỹ

Nguồn: VISTA