TP.HCM: Ba hiện tượng xâm hại di sản kiến trúc

Cập nhật: 21/12/2012
“Với lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển, chắc chắn TP.HCM còn tồn tại một quỹ di sản kiến trúc đồ sộ và quý giá cần được cộng đồng biết đến, bảo vệ và khai thác”.

Đó là khẳng định của kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam tại hội thảo “Di sản kiến trúc đô thị TP.HCM” do Hội Kiến trúc sư Việt Nam và UBND TP.HCM phối hợp tổ chức. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa diễn ra chóng mặt như hiện nay đã và đang phá vỡ dần di sản kiến trúc đô thị đồ sộ của TP.

Nhiều di sản kiến trúc đô thị bị “xóa sổ”

Ông Phạm Hữu Mý, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa TP.HCM cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 30 di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, 47 di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

Ngoài ra, còn có 57 công trình kiến trúc đô thị khác đã được khảo sát, đánh giá; một số công trình đã được UBND TP đưa vào danh mục kiểm kê di tích. Tuy nhiên, do sự tác động của nhiều yếu tố, hệ thống di sản này đang xuống cấp nặng, thậm chí có nguy cơ bị “xóa sổ”.

Nói về dự án bảo tồn và phát triển khu phố cổ Chợ Lớn – một khu vực mang nét đặc trưng rất riêng và có ý nghĩa lịch sử về cảnh quan văn hóa, di sản kiến trúc đô thị của thành phố. TS.KTS Nguyễn Anh Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc quy hoạch TP.HCM chỉ ra rằng, hệ thống di sản ở đây đang gặp rất nhiều rủi ro, nhà cửa và mặt phố ở Chợ Lớn có nguy cơ ngày càng xuống cấp và có thể dẫn đến phá hủy.

Kết quả khảo sát năm 2011 cho thấy đã có sự thay đổi đáng kể so với kết quả thực hiện năm 1995, nhiều tài sản di sản đã bị mất hoàn toàn, nhiều ngôi nhà đã tăng thêm diện tích sàn trên tầng mái, một số mặt tiền chính nhà cửa mặt phố đang ở trong tình trạng xấu…

Trăn trở về những biến dạng không đáng có của những công trình kiến trúc cổ, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng lo lắng “cơn lốc” đô thị hóa đang “đẻ” ra ngày càng nhiều cao ốc đồ sộ trong từng khu phố nhỏ từng mang nhiều ký ức của Sài Gòn xưa. Điển hình là những ngôi biệt thự cổ ở quận 3 đang bị chia lô nhà phố, hàng quán; lâu lâu bị đục lõm xây chung cư cao tầng hoặc cao ốc văn phòng nhôm kính, khởi đầu là tòa nhà Sindozime mọc lên năm 1990, tòa cao ốc 222 Điện Biên Phủ…

Nói về thực trạng bảo tồn di sản đô thị trong bối cảnh phát triển khung trung tâm hiện hữu của TP.HCM, ThS.KTS Phạm Phú Cường cũng chỉ ra ba hiện tượng xâm hại di sản thành phố hiện nay là: Các công trình di sản bị tháo dỡ để nhường chỗ cho các dự án xây dựng mới, hai là tính chất “bối cảnh” của di sản đô thị bị rạn vỡ, ba là sự tương phản gay gắt giữa kiến trúc cũ và mới.

Phải giữ “hồn” cho đô thị

Phân tích việc bảo tồn, trùng tu di sản kiến trúc tại một số đô thị cổ trên thế giới, GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu khẳng định, nếu chính quyền thành phố đủ quyết tâm thì nguyên tắc bảo tồn đi đôi với phát triển, đảm bảo sự phát triển bền vững của đô thị hoàn toàn đủ cơ sở để áp dụng tại TP.HCM.

Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh, cần hình thành một quỹ kiến trúc thành phố và thực hiện điều tra, khảo sát, đánh giá và lập danh sách những công trình tiêu biểu cho các trào lưu kiến trúc qua từng thời kỳ lịch sử-văn hóa cần được bảo tồn. Việc này có thể mất hàng chục năm nhưng cần thiết, để củng cố hệ thống lịch sử kiến trúc của TP.HCM. Theo ông Mý, để bảo tồn tốt di sản kiến trúc trên địa bàn thành phố, cần sớm xác lập danh mục các di sản kiến trúc bảo tồn và xây dựng quy chế, chính sách, giải pháp cụ thể với từng loại di sản kiến trúc.

Ở góc nhìn rộng hơn, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng, bảo tồn di sản kiến trúc đô thị TP.HCM phải quan tâm bảo vệ cả một quần thể, bảo vệ quy hoạch đã được định hình thành ký ức, kỷ niệm, hồn đô thị của các thế hệ cư dân đã dày công vun đắp qua nhiều biến cố của lịch sử; nó không chỉ là từng công trình, hay điểm tuyến đơn lẻ… Ông cũng đề xuất giải pháp cần thực hiện ngay là quy hoạch phố đi bộ (Một hạng mục quan trọng trong đô thị của thế giới, chỉ duy nhất TP.HCM chưa có?).

Kiến trúc sư Cao Thành Nghiệp nhấn mạnh, muốn bảo tồn di sản kiến trúc đô thị TP.HCM, điều trước tiên và quan trọng hơn hết là sự đồng thuận của chính quyền thành phố. Sự công nhận một số khu vực của thành phố là di sản đô thị là hết sức cần thiết và cấp bách nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các bước tiếp theo.

Bên cạnh đó, cần tạo nguồn vốn riêng từ nhiều nguồn khác nhau cho việc bảo tồn, trùng tu di sản đô thị của thành phố. Nghiên cứu về kiến trúc Sài Gòn – TP.HCM qua các thời kỳ, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái nhìn nhận, để giữ được cái hồn đô thị của TP.HCM thì không thể chỉ nghĩ đến phát triển kinh tế cấp thời mà quên đi việc gắn kết đô thị giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Để 100 năm sau, du khách thưởng ngoạn thành phố có thể ghi nhận rằng “đây là Sài Gòn – TP.HCM, một thành phố ngã ba đường độc đáo của Việt Nam”.

Hoàng Hải

Nguồn: Báo Văn hóa