Một trong những loại hình du lịch đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và thu hút du khách quốc tế và du khách trong nước - đó là loại hình du lịch sinh thái. Du lịch sinh thái được xem như một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường sinh thái hướng tới sự phát triển bền vững thông qua quá trình làm giảm sức ép khai thác nguồn lợi tự nhiên, phục vụ nhu cầu của du khách, của người dân địa phương khi tham gia vào các hoạt động du lịch sinh thái.
Tiềm năng về du lịch sinh thái
Việt Nam có sự đa dạng sinh học khá cao. Việt Nam có khoảng 14.624 loài thực vật thuộc gần 300 họ, trong đó có nhiều loài cổ xưa và quý hiếm, khoảng hơn 1000 loài lấy gỗ, 100 loài có dầu, hơn 1000 loài cây thuốc, 100 loài quả rừng ăn được...
Việt Nam có đa dạng loài động vật, khoảng 11.217 loài và phân loài, trong đó có 1.009 loài và phân loài chim, 265 loài thú, 349 loài bò sát lưỡng cư, 2000 loài cá biển, hơn 500 loài cá nước ngọt và hàng ngàn loài tôm, cua, nhuyễn thể và thủy sinh vật khác.
Bên cạnh đó, các loài thú ở Việt Nam có tới 10 loài đặc trưng của vùng nhiệt đới như: cheo, đồi, chồn bay, cầy mực, cu li, vượn, tê tê, voi, heo vòi, tê giác và đặc biệt, có 5 loài thú lớn mới được phát hiện ở Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam còn là một trung tâm của cây trồng nhân tạo với hơn 200 loài cây trồng. Đây là tiền đề cho tổ chức du lịch sinh thái canh nông.
Việt Nam có một số hệ sinh thái đặc trưng như hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái đất ngập nước; hệ sinh thái vùng cát ven biển và hệ sinh thái rừng nhiệt đới
Việt Nam còn có nhiều tiềm năng nhân văn đa dạng và phong phú cho phát triển du lịch sinh thái.
Trong số khoảng 40.000 di tích hiện có thì hơn 2.500 di tích được Nhà nước chính thức xếp hạng.
Ngoài ra còn có nhiều nghề thủ công truyền thống và nhiều lễ hội gắn liền với các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc của 54 dân tộc cùng với những nét riêng, tinh tế của nghệ thuật ẩm thực đã tạo cho Việt Nam sức hấp dẫn về du lịch.
Mặc dù loại hình du lịch sinh thái ở Việt Nam mới bước đầu phát triển nhưng đã đạt được những thành tựu đang ghi nhận.
Theo số liệu báo cáo của 14/30 vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên cho thấy: năm 2011 các khu bảo tồn và vườn quốc gia đã đón 728.000 lượt khách. Không chỉ mang lại lại lợi ích về kinh tế, phát triển du lịch sinh thái còn góp phần quan trọng vào bảo vệ môi trường và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Mặc dù, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái nhưng sự phát triển du lịch sinh thái ở nước ta mới ở giai đoạn khởi đầu, còn nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết như:
Công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản và quy hoạch phát triển du lịch sinh thái còn hạn chế.
Quy mô và hình thức hoạt động du lịch sinh thái còn đơn điệu, mờ nhạt, sản phẩm và đối tượng thị trường còn chưa rõ nên ít có khả năng thu hút khách. Các hoạt động du lịch sinh thái hiện nay chưa đa dang, phong phú mà mới chỉ dưới dạng: nghiên cứu, tìm hiểu các hệ sinh thái; tham quan, tìm hiểu đời sống động thực vật hoang dã, và văn hóa bản địa.
Chất lượng dịch vụ du lịch sinh thái còn nhiều hạn chế, các khâu quảng bá, tiếp thị còn yếu nên chưa thu hút được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước tham gia vào hoạt động du lịch sinh thái và lợi ích mang lại từ du lịch sinh thái cho người dân còn chưa được cao.
Công tác đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ điều hành quản lý, hướng dẫn viên du lịch sinh thái còn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Để khai thác khai thác hợp lý các thế mạnh tiềm năng của tài nguyên du lịch sinh thái ở Việt Nam góp phần vào sự phát triển của ngành Du lịch nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, xin đề xuất một số giải pháp sau:
Một số giải pháp phát triển du lịch sinh thái
Thứ nhất, phát triển du lịch sinh thái đòi hỏi phải có sự chỉ đạo, phối kết hợp đồng bộ của 3 bộ phận chủ yếu: chủ trương đường lối chính sách của Nhà nước, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp và sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương.
Thứ hai, tăng cường nâng cao nhận thức của xã hội, của cộng đồng về tầm quan trọng của phát triển du lịch sinh thái trong sự phát triển bền vững của đất nước. Việc nâng cao nhận thức của xã hội, của cộng đồng về tầm quan trọng của phát triển du lịch sinh thái có thể dưới nhiều hình thức như: đưa nội dung này vào chương trình đào tạo ở các cấp giao dục phổ thông, cao đẳng, dạy nghề, đại học và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân có ý thức tham gia vào hoạt động du lịch sinh thái và bảo vệ môi trường sinh thái cho phát triển bền vững của ngành Du lịch nói riêng và phát triển bền vững đất nước nói chung.
Thứ ba, làm tốt công tác quy hoạch phát triển du lịch sinh thái ở những địa phương có tiềm năng về du lịch sinh thái. Có thể phối kết hợp giữa các địa phương với nhau để hình thành quy hoạch du lịch sinh thái theo không gian, tuyến và điểm du lịch sinh thái.
Thứ tư, trên cơ sở quy hoạch phát triển du lịch sinh thái, các địa phương cần sớm có kế hoạch đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển các cơ sở lưu trú du lịch. Các địa phương có thể kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn trong dân, từ các nhà đầu tư trong và ngoài ngoài nước để làm tốt công tác này.
Thứ năm, tăng cường công tác tổ chức quản lý nhà nước đối với các khu vực sau: khu vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng văn hóa, khu di tích lịch sử và bảo vệ tài nguyên môi trường.
Thứ sáu, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, cán bộ nghiệp vụ của ngành Du lịch đáp ứng nhu cầu cho phát triển du lịch trong hội nhập quốc tế hiện nay.
Thứ bảy, cần mở rộng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch sinh thái nhằm đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài nước.
Phát triển du lịch sinh thái là một trong những giải pháp quan trọng nhằm khai thác tiềm năng và thế mạnh Du lịch Việt Nam và để hưởng ứng lời kêu gọi của Đại hội đồng Liên Hợp quốc ngày 21/12/2012 thông qua Nghị quyết: "Thúc đẩy du lịch sinh thái nhằm xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.
Tài liệu tham khảo
1. Cơ sở lý luận cho phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam
http://www.itdr.org.vn/details_dtkh-x-17.vdl
2. Liên hợp quốc kêu gọi đẩy mạnh du lịch sinh thái
http://www.vietnamplus.vn/Home/Lien-hop-quoc-keu-goi-day-manh-du-lich-sinh-thai/20131/176804.vnplus
3. Du lịch sinh thái mang lại nguồn thu đáng kể
http://www.moitruongdulich.vn/index.php?itemid=6304
4. Du lịch sinh thái - tiềm năng và thế mạnh của Du lịch Việt Nam
http://www.itdr.org.vn/details_news-x-13.vdl
TS. Vũ Thị Thoa - Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
Đỗ Việt Dũng - Trường Chính trị tỉnh Điện Biên