Đầm Ngọc Hoàng - địa điểm du lịch sinh thái của Hậu Giang

Cập nhật: 11/03/2014
Theo nhận định của Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên đầm (lung) Ngọc Hoàng thuộc tỉnh Hậu Giang, điểm nổi bật nhất của du lịch đồng bằng sông Cửu Long là du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn, trong khi tỉnh có khu bảo tồn thiên nhiên lung Ngọc Hoàng rất có tiềm năng về du lịch sinh thái rừng nhưng nhiều năm nay chưa được quan tâm khai thác.

Thành lập từ năm 2002, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lung Ngọc Hoàng rộng trên 2.800 ha là nơi có những sinh cảnh tiêu biểu, độc đáo, nơi cư trú của các loài sinh vật bản địa và hệ sinh thái đất ngập nước chuyển tiếp giữa phía Tây sông Hậu và bán đảo Cà Mau, có tác dụng góp phần duy trì sự cân bằng sinh thái và gia tăng độ che phủ rừng, đảm bảo an ninh môi trường và sự phát triển bền vững của đồng bằng sông Cửu Long.

 

Khu bảo tồn được chia thành ba phân khu: phân khu hành chính dịch vụ, phục hồi sinh thái và bảo vệ nghiêm ngặt, trong đó khu lung Ngọc Hoàng thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và khu rừng tràm trên 30 năm tuổi thuộc phân khu phục hồi sinh thái là hai nơi có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái.

 

Nhiều năm trước, ngành du lịch tỉnh Hậu Giang đã có ý định phát triển du lịch sinh thái ở khu vực này.

 

Đến năm 2012 Ủy ban Nhân dân tỉnh có quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng.

 

Tuy nhiên, do quy hoạch này xây dựng nhiều công trình ảnh hưởng đến hệ sinh thái động thực vật của khu bảo tồn nên chưa được thực hiện. Đến nay, ngành du lịch tỉnh vẫn chưa có dự án hoặc kêu gọi đầu tư phát triển du lịch ở khu này khiến cho tiềm năng phát triển du lịch sinh thái ở đây vẫn chưa được khai thác.

 

Để góp phần đưa lung Ngọc Hoàng trở thành địa điểm du lịch sinh thái lý tưởng của tỉnh Hậu Giang cũng như trong khu vực, hiện Ban Quản lý khu bảo tồn đang có ý tưởng đầu tư phát triển du lịch ở hai nơi là lung Ngọc Hoàng và rừng tràm.

 

Đối với lung Ngọc Hoàng là vùng trũng nhất đồng bằng sông Cửu Long với hệ sinh thái đất ngập nước, trong đó hệ thực vật bản địa có sậy, dây leo, tràm bụi, động vật phong phú với thủy sản, lưỡng cư, bò sát, chim các loại cách phân khu hành chính 4km, đang được đầu tư xây cầu qua sông Hậu Giang, làm đường rộng 1,5m dài 4km để khám phá hệ sinh thái ngập nước đặc trưng vùng đồng bằng sông Cửu Long.

 

Dọc hai bên đường được trồng cây ăn trái gồm mít, xoài để phục vụ nhu cầu du khách, trên tuyến đường rộng 1,5 m sau này sẽ để du khách đi bộ hoặc vào lung bằng xe đạp, con kênh nằm dọc tuyến đường sẽ phục vụ du khách đi lại bằng xuồng và các dịch vụ dưới nước khác.

 

Về lâu dài sẽ làm những trạm nghỉ chân hai bên đường bằng gỗ tràm, lợp lá, xây dựng những tháp cây bằng gỗ tràm để du khách lên ngắm cảnh hệ sinh thái ngập nước.

 

Trong khu vực này cũng sẽ phục dựng gác kèo ong lấy mật để khu khách được trải nghiệm gác kèo ong và mua mật ong rừng thật mang về làm quà.

 

Khu rừng tràm 30 năm tuổi ở phân khu phục hồi sinh thái là rừng tràm nguyên sơ chưa được khai thác trải rộng trên diện tích 3.000 m2 với rừng tràm và hệ động vật bò sát, chim đa dạng, trong khu vực này còn có nhiều đọt choại là một trong những loại rau rừng đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

 

Bên cạnh du lịch khám phá lung Ngọc Hoàng và rừng tràm 30 năm tuổi sẽ có nhiều dịch vụ sinh hoạt, vui chơi dành cho du khách như câu cá đồng, hái rau rừng, thu mật ong, đặt lờ, đặt nơm bắt cá, chèo xuồng trên sông Hậu Giang, kênh Long Phụng.

 

Bên cạnh đó, mở mô hình homestay để du khách cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với người dân sống trong khu bảo tồn, trải nghiệm thực tế.

 

Người có nhiều tâm huyết thực hiện du lịch sinh thái ở khu bảo tồn thiên nhiên lung Ngọc Hoàng, ông Dương Văn Hùng, Giám đốc khu bảo tồn chia sẻ, khu bảo tồn nằm ở vị trí xa xôi, héo lánh nên các doanh nghiệp, công ty du lịch ngại đầu tư vào đây nên khu bảo tồn sẽ đầu tư theo hướng tự làm, không thay đổi hiện trạng, hòa hợp với thiên nhiên và thân thiện môi trường.

 

Khu bảo tồn đang tranh thủ các nguồn vốn phục vụ công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng để thực hiện lồng ghép phục vụ du lịch sinh thái như làm cầu và đường vừa phục vụ công tác tuần tra, vừa dành cho du khách vào tham quan khu lung Ngọc Hoàng.

 

Dự kiến trong năm nay, khu du lịch sinh thái này sẽ hoàn thành đầu tư một tuyến du lịch sinh thái để đánh giá kết quả, sau đó mở rộng ra khu rừng tràm thuộc phân khu phục hồi sinh thái.

 

Phát triển du lịch sinh thái ở khu bảo tồn thiên nhiên lung Ngọc Hoàng là cách hiệu quả nhất để phát triển khu bảo tồn và giữ rừng, ổn định đời sống kinh tế cho hơn 800 hộ dân đang sống trong khu vực, quảng bá thương hiệu lung Ngọc Hoàng của Hậu Giang./.

Nguồn: TTXVN