Nỗ lực giảm ô nhiễm môi trường không khí

Cập nhật: 02/03/2015
Ô nhiễm môi trường không khí ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và gây ra thiệt hại không nhỏ đối với các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và du lịch. Trong khi đó, ô nhiễm không khí đang có xu hướng gia tăng tại các khu đô thị lớn và khu công nghiệp... Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) đang tích cực phối hợp các bộ, ngành liên quan, triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm ô nhiễm môi trường không khí ở nước ta.

 

Những lò gạch thủ công làm môi trường bị ô nhiễm nặng.
 

Theo các số liệu thống kê, những năm gần đây, chất lượng không khí tại một số thành phố lớn của Việt Nam như: Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh suy giảm, chủ yếu là bụi và bụi mịn, nhất là đối với các khu vực đang trong quá trình xây dựng và các nút giao thông, thường có lưu lượng phương tiện lớn. Phần lớn các khu vực này, nồng độ bụi và bụi mịn vượt quá tiêu chuẩn từ 1,5 đến 2,5 lần. Mặc dù, ô nhiễm bụi chỉ xảy ra vào giai đoạn nhất định và mang tính cục bộ nhưng chủ yếu do các chủ đầu tư, đơn vị thi công chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về che chắn bụi tại các công trình xây dựng và phương tiện chuyên chở vật liệu, phế thải xây dựng... Ngoài ra, việc đào lấp, sửa chữa hệ thống đường giao thông còn diễn ra thường xuyên mà không thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm, mất vệ sinh khu vực chung quanh. Đối với một số khu vực tập trung hoạt động sản xuất công nghiệp, cũng có hàm lượng bụi cao vượt mức cho phép do các cơ sở sản xuất vẫn sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, chưa đầu tư, vận hành hệ thống xử lý dẫn đến lượng khí thải công nghiệp đưa ra môi trường khá lớn. Riêng khu vực nông thôn, một số vùng cũng có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ do hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề truyền thống. Cụ thể, tại các khu vực nông thôn gần nhà máy nhiệt điện, xi-măng, các làng nghề tái chế kim loại, chế tác đá, lò gạch... nồng độ bụi vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.
 

Trước thực trạng nêu trên, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã triển khai các hoạt động quản lý, kiểm soát chất lượng không khí và đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện như: Trách nhiệm chủ trì và phân công quản lý nhà nước về chất lượng môi trường không khí còn phân tán, chưa rõ ràng đầu mối giữa các bộ, ngành có liên quan. Các chính sách pháp luật về kiểm soát ô nhiễm không khí không cụ thể và chưa có kế hoạch từ T.Ư đến các địa phương. Bên cạnh đó, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường không khí còn thiếu tính đồng bộ. Công tác quan trắc, kiểm kê nguồn khí thải còn hạn chế, thiếu các chương trình quan trắc tổng thể và định kỳ cho các khu công nghiệp và làng nghề. Nhiều hoạt động kiểm soát chưa được triển khai như kiểm soát nhiên liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu, đào tạo, tập huấn, nghiên cứu khoa học, truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường không khí. Ngoài ra, nguồn kinh phí cấp cho hoạt động kiểm soát ô nhiễm không khí không đáp ứng được nhu cầu thực tế, trong khi, sự tham gia của cộng đồng còn mang tính hình thức, thiếu thiết thực...


Để từng bước tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng không khí ở nước ta, thời gian qua, Bộ TN và MT đã phối hợp các bộ, ngành có liên quan tập trung thực hiện một số giải pháp như: Tăng cường năng lực, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và tổ chức quản lý môi trường không khí, thống nhất đầu mối từ T.Ư đến địa phương; hoàn thiện các quy định về bảo vệ môi trường không khí theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014.


Đáng chú ý, Bộ TN và MT, cùng các cơ quan có liên quan đã xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, trong đó tập trung vào công tác quản lý, giám sát các nguồn thải và trách nhiệm của các chủ đầu tư; tăng nguồn lực tài chính, đa dạng hóa nguồn đầu tư; xây dựng cơ chế trao đổi hạn ngạch phát thải giữa các doanh nghiệp...


Đáng chú ý, hoạt động quan trắc, kiểm kê khí thải, kiểm soát môi trường không khí tại các đô thị và khu công nghiệp được đẩy mạnh, nhất là từ khi Bộ TN và MT xây dựng và ban hành quy định về chuẩn kết nối số liệu quan trắc môi trường quốc gia và các địa phương.


Ngoài ra, công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng và doanh nghiệp trong quản lý chất lượng không khí, cũng như triển khai các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ luôn được triển khai thường xuyên và liên tục. Ngành TN và MT ưu tiên mở rộng quan hệ hợp tác bảo vệ môi trường không khí dưới hình thức thiết lập các chương trình, dự án đa phương và song phương, cũng như sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong việc kiểm soát môi trường không khí ở Việt Nam thời gian qua...

 

TS ĐẶNG VĂN LỢI
Phó Cục trưởng Kiểm soát ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường

 

Nguồn: nhandan.org.vn