Quảng Ninh: Khai thác các giá trị văn hoá - du lịch của Yên Tử

Cập nhật: 27/05/2024
Mỗi năm, Yên Tử (Quảng Ninh) thu hút khoảng 1 triệu khách hành hương về tham quan, lễ Phật và trải nghiệm trên vùng đất Phật linh thiêng này. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân thời gian qua đã đầu tư nhiều loại hình dịch vụ khác nhau để đáp ứng nhu cầu du khách. Đáng nói hơn là nhiều trong số này hướng tới khai thác các giá trị văn hóa đặc sắc, riêng có của đất và người nơi đây.

Du lịch gắn với di sản

Gắn bó với vùng đất Yên Tử hơn 20 năm qua, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm là đơn vị có sự đầu tư quy mô lớn với định hướng phát triển du lịch lâu dài gắn với việc khai thác, phát huy giá trị văn hoá của di sản. Nói về điều này, ông Lê Trọng Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, chia sẻ: Chúng tôi nhất quán chương trình phát triển của mình trước nay và sau này luôn dựa vào giá trị của Yên Tử, bám sát vào đó xây dựng các sản phẩm của mình, luôn thay đổi, trau chuốt để tiếp tục nâng tầm dịch vụ, phục vụ nhu cầu du khách, kể cả ở Legacy hay Làng Nương Yên Tử.

"Đêm hội Làng Nương" khai thác các nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Dao Thanh Y để giới thiệu tới du khách khi về với Yên Tử.

Thời gian tới, câu chuyện xây dựng bảo tàng Phật giáo, bảo tàng Trần Nhân Tông hay bảo tàng về Yên Tử rồi không gian các làng văn hóa dưới chân Yên Tử, chúng tôi vẫn đang theo đuổi để đưa tới cho du khách những trải nghiệm riêng có tại đây. Các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan lâu nay đã được chúng tôi đưa dần vào những hoạt động trải nghiệm cho học sinh, du khách trong ngày và lưu trú ở đây. Chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cấp lên, đóng gói thành các sản phẩm chất lượng cao. Sau này, nhất là khi di sản vươn tầm thế giới, tôi tin rằng các dòng khách chuyên khám phá di sản sẽ về với Yên Tử ngày càng nhiều hơn…

Không chỉ là giá trị di sản của Yên Tử, sắc màu văn hóa truyền thống của cộng đồng người Dao Thanh Y dưới chân núi cũng được đơn vị khai thác khá bài bản cũng như đưa người dân địa phương, đa số là người Dao Thanh Y, tham gia vào các hoạt động văn hóa - du lịch tại khu vực Làng Nương.

Người Dao làm du lịch

Đồng bào Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử chiếm khoảng 60% dân số xã Thượng Yên Công, trong đó các thôn như Khe Sú 1, Khe Sú 2 gần như 100% là người Dao Thanh Y với nhiều nét văn hóa đặc sắc đã tồn tại hàng trăm năm qua. Nhìn ra tiềm năng này, chị Trương Thị Thanh Hương là người phụ nữ Dao Thanh Y nơi đây, với niềm đam mê làm du lịch cộng đồng đã bàn bạc với người thân trong gia đình đầu tư xây dựng Tổ hợp tác cộng đồng dân tộc Dao Thanh Y tại thôn Khe Sú 2, để lan toả những giá trị văn hóa của đồng bào mình tới du khách…

Chị Hương (giữa) cùng nhân viên đóng gói các sản phẩm thảo dược được lấy từ những bài thuốc bí truyền từ xa xưa của người Dao ở Yên Tử.

Ngắm nhìn không gian nhỏ xinh khoảng 300m2 của mô hình với các dịch vụ ẩm thực, ngâm chân, tắm thảo dược của đồng bào Dao, chúng tôi cảm nhận sự chăm chút tỉ mỉ, kỹ lưỡng cũng như tâm huyết của chị và người thân. Chị Hương cho hay, tổ đã liên kết với bà con có những bài thuốc bí truyền từ xa xưa của người Dao, từ đó bào chế ra các loại thuốc dạng bột thuận tiện cho ngâm chân, tắm tại chỗ hay bán cho du khách mang về sử dụng. Các sản phẩm thổ cẩm cũng vậy, từ nét thêu của người Dao bản địa tạo ra các sản phẩm chi tiết từ khăn, áo, cả bộ trang phục cho tới gối thêu thổ cẩm ứng dụng trong cuộc sống và bán cho du khách.

Việc đầu tư mô hình cho đến nay vào khoảng 1 tỷ đồng, con số không quá lớn nhưng cho thấy sự mạnh dạn, nỗ lực không nhỏ của chị và gia đình. Bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 2 năm nay, mô hình bước đầu cho thấy sức hút nhất định với du khách. Chia sẻ về những khó khăn của một mô hình tiên phong ở xã, chị Hương cho hay, khó từ kinh phí đầu tư cho tới việc tuyên truyền vận động, thay đổi tư duy bà con cùng am hiểu, chung tay xây dựng được bản du lịch cộng đồng. Để tạo sức hút hơn nữa, chị mong muốn thời gian tới có thêm nguồn lực mở rộng với nhiều dịch vụ hơn nữa như homestay, trải nghiệm...

Các sản phẩm thêu tinh tế được làm từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Dao Thanh Y, trưng bày tại mô hình du lịch cộng đồng người Dao tại xã Thượng Yên Công.

Chinh phục du khách từ ẩm thực bản địa

Bên cạnh mô hình của chị Hương, việc khai thác giá trị văn hóa bản địa cũng được nhiều hộ dân khai thác dịch vụ tại đây chú trọng tìm tòi, sáng tạo, đưa vào phục vụ du khách dọc tuyến đường dưới chân núi về với Yên Tử. Có thể kể tới nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của người Dao Thanh Y được nhiều hộ làm du lịch, kinh doanh nhà hàng, quán ăn vận dụng tương đối thành công, ghi được ấn tượng tốt với du khách.

Chị Phạm Thị Ngân, một hộ kinh doanh của địa phương, phân tích: Ở đây có những món đặc sản chế biến theo cách riêng của người Dao và phải ở đây nấu mới ngon… Quả thật, nhìn mâm cơm dân dã làm từ các nguyên liệu của địa phương được bày biện khéo léo đặt xuống phục vụ cho khách, ai cũng thấy ngon mắt, ngon miệng. Đó là món xôi 5 màu bắt mắt, dẻo thơm, món măng trúc xào dậy mùi thơm, cá suối chiên giòn cuốn lá lốt hay món canh cá nấu với loại lá chua của địa phương cho tới món gà nướng, trâu xé với hương vị đặc biệt thơm ngon...

Du khách tìm hiểu về sản phẩm nước mơ Yên Tử do gia đình ông Vũ Anh Tuấn sản xuất khi tới tham quan mô hình tại xã Thượng Yên Công.

Cùng với đó, bà con nơi đây còn biết chế biến quả mơ Yên Tử thành các thức uống tốt cho sức khoẻ, một số sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sao của tỉnh. Đơn cử như gia đình ông Vũ Anh Tuấn tại thôn Nam Mẫu 2 đã nối tiếp cha mình duy trì, phát triển nghề truyền thống này từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ông còn thiết kế mô hình chế biến quả mơ tựa như một sơn động nhỏ dựa theo huyền tích về giấc mơ vua Trần Nhân Tông ngự trên rồng vàng, bay vào động lớn, phía dưới có hồ nước nở đầy sen vàng, phía trên là ngút ngàn hoa quả chín sực nức hương thơm…

Hay như bà Trần Thúy Tập, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại và Dịch vụ Thăng Long (trụ sở tại TP Uông Bí), đã ươm trồng một vườn mơ 4ha tại xã Thượng Yên Công từ 2 năm qua với 3.000 cây mơ giống, tạo thành vùng nguyên liệu cho sản phẩm của đơn vị gắn với Yên Tử. Bà còn mong muốn đầu tư mở rộng, biến khu vườn mơ thành khu du lịch sinh thái, góp phần kết nối với khu du lịch tâm linh này.

Cần thêm những trợ lực

Giàu có về tiềm năng nhưng qua thực tế cũng cho thấy, các mô hình du lịch khai thác các cảnh điểm, giá trị văn hóa bản địa của đồng bào Dao Thanh Y hiện nay dưới chân Yên Tử còn khá nhỏ lẻ, một số còn mang tính tự phát, cần thêm những lực đẩy để có thể duy trì, phát triển bền vững hơn. Chia sẻ về điều này, chị Phạm Thị Phương Thuý, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Yên Công, cho biết: Định hướng phát triển du lịch dưới chân Yên Tử gắn với khai thác giá trị văn hóa vùng đồng bào dân tộc Dao Thanh Y đã nằm trong kế hoạch của xã. Năm nay, chúng tôi còn có kế hoạch xây dựng không gian trưng bày văn hóa dân tộc Dao Thanh Y, để làm dày dặn thêm vốn cổ truyền thống.

Kết nối du khách khi hành hương về Yên Tử tới các điểm du lịch cộng đồng là hướng đi được Công ty CP Phát triển Tùng Lâm quan tâm.

Với các mô hình du lịch cộng đồng còn khá mới mẻ ở xã, chị cho hay, xã đã có kế hoạch tổ chức cho đội ngũ cán bộ từ xã đến cơ sở đi tham quan, trải nghiệm các mô hình, giúp họ mường tượng ra mô hình du lịch cộng đồng là như thế để về phát triển ở địa phương. Cùng với đó là hướng tới việc kết nối tour với các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn. Xã sẽ thành lập CLB hướng dẫn viên bản địa chính là các cô gái Dao, từ đó giúp kết nối những tour mà họ đang tham gia với những điểm du lịch trên địa bàn…

Qua tìm hiểu của chúng tôi cho thấy, doanh nghiệp lớn ở đây là Công ty CP Phát triển Tùng Lâm cũng tính đến việc kết nối khách tới các điểm du lịch văn hóa tại xã Thượng Yên Công, nhằm gia tăng cơ hội cho du khách, kể cả khách nước ngoài, được trải nghiệm các giá trị văn hóa bản địa, đời sống thực của người dân khi về với Yên Tử.

Ông Lê Trọng Thanh bày tỏ: Việc chia sẻ lượng khách, kinh nghiệm để phát triển du lịch là hướng đi mà Tùng Lâm luôn theo đuổi. Chúng tôi cũng mong chính quyền, các hộ làm du lịch dành tâm huyết khi xây dựng mô hình, có thể đầu tư thêm những ngôi nhà truyền thống của người Dao, duy trì nếp sống, phong tục tập quán, sự bài trí mang nét văn hóa riêng của đồng bào nơi đây. Sau này, Tùng Lâm có thể sẽ đầu tư một không gian làng văn hóa Dao nơi đây đạt tới sự chuẩn mực về dịch vụ, gia tăng các trải nghiệm có tính văn hóa cao...  

Yên Tử có lịch sử cả nghìn năm, hiện nằm trong Quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đang được đề cử UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Vì vậy, việc mở rộng kết nối du khách giữa những doanh nghiệp lớn như Tùng Lâm với các mô hình du lịch nhỏ thiết nghĩ là rất cần thiết, thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng. Qua đây, cũng góp phần lan toả mạnh mẽ các giá trị văn hóa của Yên Tử gắn với nâng cao đời sống dân sinh khu vực di sản.

Ngọc Mai

Nguồn: Báo Quảng Ninh - baoquangninh.com.vn - Đăng ngày 26/05/2024