Ở thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar, cách TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) 13km, nằm giữa một vùng dân cư đông đúc, vẫn còn một cánh rừng nguyên sinh, bất cứ ai qua đây cũng phải thốt lên lời trầm trồ: Rừng đẹp quá, mát quá!
Và rồi nhiều người cứ băn khoăn mãi với câu hỏi: Không hiểu vì sao ở đây vẫn giữ được rừng?
Chút đại ngàn còn lại
Chút đại ngàn còn sót lại này là một quả đồi nhỏ có tên Cư H’Lăm. Cư theo tiếng Ê Đê Kpă có nghĩa là đồi, núi; H’Lăm là tên của một người con gái, nhân vật chính của một câu chuyện tình bất hủ. Nhờ đó mà chút đại ngàn này còn giữ được đến này nay.
Sở dĩ tôi gọi “chút đại ngàn” bởi diện tích rừng ở đây không còn nhiều, chỉ chưa đầy 19ha. Nhưng nó là rừng nguyên sinh thực thụ. Ở đây vẫn có nhiều đại thụ hai - ba người ôm chưa xuể. Cây cao thấp nhiều tầng, ken dày, sum sê rậm rạp. Cư có hình thù như cái bát úp và màu sắc ở đây thay đổi theo mùa.
Mùa mưa chỉ một màu xanh biếc. Nhưng vào cữ cuối thu, qua đông, rồi sang xuân, Cư H’Lăm gần như thay sắc đổi màu hằng ngày. Khi là những tán lá vàng, xen lẫn sắc xanh. Khi là những tán hoa rực đỏ bồng bềnh giữa màn sương trắng ban mai. Lại có khi là những tán lá non tơ nhiều màu: Tím, lam, vàng, xanh, đỏ, tía... pha trộn với nhau đẹp đến lạ kỳ, như có bàn tay của một hoạ sĩ sắp đặt.
Mùa khô, đi trên tỉnh lộ 8 của Đắc Lắc, bạn sẽ thấy khó chịu vì nắng gắt và hanh hao. Nhưng khi đến Cư H’Lăm, dù con đường chỉ lượn một đoạn ngắn dưới chân đồi, bạn sẽ cảm nhận được ngay sự mát mẻ trên da thịt, bởi không khí trong lành, mát dịu từ đồi cây Cư H’Lăm lan toả ra xung quanh.
Và bạn tự buộc mình phải dừng chân ghé quán nước bên đường để nghỉ ngơi, thư dãn trên chiếc võng treo toòng teng bên những gốc cây, hít thở bầu không khí mát mẻ trong lành, thả mắt ngắm cổ thụ chọc trời và nghe chào mào, hoạ mi... khoe tiếng.
Theo ông Ma Loan - 78 tuổi, ở Buôn Mắp, một làng của người Ê Đê, nằm ngay dưới chân Cư H’Lăm - thì trên quả đồi này có rất nhiều điều kỳ lạ. Có những ngày mùa khô, xung quanh đang nắng chang chang, nhưng trên đồi lại lắc rắc mưa bay. Kỳ lạ hơn, giữa đỉnh đồi có một vùng đất bị lõm xuống khá sâu.
Trong vùng đất lõm mọc rất nhiều chuối và khoai môn dại. Ngày xưa mùa đói, dân làng thường lên đây lấy chuối chín và đào củ môn luộc ăn. Những ai luộc ăn tại chỗ thì không sao. Ai đào củ mang về thì trên đường về đầu óc sẽ bị mê muội, không đi đúng lối mòn mà lại chui vào bụi rậm, loanh quanh suốt ngày trên đồi, không tìm được lối ra.
Lại có người lên đây luôn luôn thấy trước mặt mình một người con gái xinh đẹp, da trắng như cây chuối bóc ba lớp vỏ, tóc dài như bụi mây rừng trăm tuổi, mắt sáng như mắt con hươu sao... mang gùi đi phía trước. Gọi, cô gái không thưa. Hú, cô gái không đáp. Chạy đuổi theo, không bao giờ kịp... Đã có người dùng ná bắn, cô gái biến mất. Nhưng người bắn về nhà thì bị ốm đến rụng tóc, vàng da. Dân làng bảo: Hắn đã bị người con gái ma lấy mất hồn...
Theo kết quả điều tra bước đầu của Hạt Kiểm lâm huyện Cư M’gar và khoa Lâm nghiệp Trường Đại học Tây Nguyên thì ở Cư H’Lăm có 112 loài cây. Loài cây chiếm số lượng ưu thế là trám, nhọc, bằng lăng, na, nhãn... Trữ lượng gỗ tới gần 400m3/ha, trong đó gỗ quý (như cà te, gõ mật...) chiếm 13%, 71% số cây gỗ đã vào tuổi thuần thục (có đường kính trên 50cm). Có nhiều loại cây có giá trị dược liệu cao, như chim chim, gạo đỏ, xoan mộc, duối nhám... Động vật ở đây cũng khá phong phú, dễ bắt gặp nhất là rắn, trăn, kỳ đà, nhím, chồn, cù lần, trút... và rất nhiều loài chim.
Có thể nói: Cư H’Lăm không chỉ có giá trị lớn về tài nguyên động - thực vật, về môi trường - sinh thái, mà còn giá trị lớn đối với ngành du lịch nếu được đầu tư xây dựng một cách bài bản khoa học. Bởi nơi đây chỉ cách TP.Buôn Ma Thuột 13km, cách thị trấn huyện Cư M’gar 3km, nằm ngay bên tỉnh lộ 8 thông tới các huyện Krông Buk, Ea Súp. Với Cư H’Lăm, nhà kinh doanh du lịch sẽ rất thuận lợi để tạo ra các sản phẩm du lịch về văn hóa, sinh thái và nghỉ dưỡng đủ sức hấp dẫn du khách gần xa.
Truyền thuyết về một tình yêu
Tôi là người chỉ chú tâm đi tìm nguyên nhân vì sao nơi đây còn giữ được một chút đại ngàn, trong khi nơi khác đã tan hoang, lại may mắn bắt gặp một truyền thuyết về tình yêu đầy thú vị.
Ông Y Tha - người ở Buôn Mắp A, hiện đang giữ chức Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thị trấn Ea Pôk, ông Y Năm - ở buôn Mắp B, nay đã 78 tuổi, là những người kể cho tôi nghe truyền thuyết đó. Theo hai ông, câu chuyện đã được lưu truyền không biết bao đời rồi. Cứ cha kể cho con, ông bà kể cho cháu; kể ở đầu chái nhà dưới ánh trăng đêm; kể bên bếp lửa hồng khi đang nướng ngô, khi đang lùi sắn để ăn... Cứ thế, đời trước truyền kể cho đời sau, mà đời nào cũng thấy mới mẻ, hấp dẫn và có một niềm tin nội tâm mãnh liệt vào câu chuyện phát nguyên từ thuở xa xưa...
Thuở ấy, ở phía mặt trời mọc của đồi Cư H’Lăm, thời ấy quả đồi còn chưa có tên, có một buôn (làng) của người Ê Đê Kpă sinh sống. Trong buôn có một cặp trai gái cùng dòng họ Niê yêu nhau tha thiết.
Chàng trai có tên là Y Đhin có cặp mắt đẹp và hiền như mắt nai con, nhưng lại có sức khỏe như con trâu rừng, hay lam hay làm như con ong trên tổ. Còn cô gái có tên là H’Lăm có bắp chân trắng như cây chuối bóc ba lớp vỏ, có giọng hát hay như con chim khướu trong rừng, có đôi tay dệt váy áo nhanh như con chim cắt, đẹp như bông hoa pớt, hoa dơn nở bên dòng suối Ea Pôk trong xanh.
Hai người yêu nhau, nhưng không được hai bên bố mẹ thuận lòng, vì họ có chung dòng họ Niê. Theo phong tục, người trong dòng họ không được lấy nhau. Nếu lấy nhau bị xem là hành vi báng bổ, loạn luân, sẽ bị Yàng (Trời) phạt, khiến dân làng gặp nạn: Có thể bị lửa thiêu rụi cả làng, bị dịch bệnh khiến cả làng chết sạch, bị hạn hán, hoặc mưa đá khiến mùa màng thất bát, cả làng chết đói... Nếu lấy nhau, họ sẽ bị làng phạt, phải nộp trâu trắng, heo trắng cho làng để cúng Yàng, họ phải ăn uống trong máng như con heo đực, heo cái...
Vì sự ngăn cản của bố mẹ và của cả dân làng, không lấy được nàng H’Lăm làm vợ, Y Đhin đau buồn bỏ làng ra đi biệt tăm. Nàng H’Lăm mất bóng người yêu cũng đêm ngày sầu thảm. Nàng bỏ làng lên đồi cây ngồi gào khóc suốt ngày đêm. Gào khóc ngày này qua ngày khác, đến nỗi cả khu đất chỗ nàng ngồi đầm đìa nước mắt và sau đó sụt lún như ta thấy ngày nay. Khi đất sụt lún, nàng cũng tan biến vào trong đất đỏ và rừng xanh.
Y Đhin sau ba mùa rẫy bỏ làng ra đi, quá thương nhớ người yêu, chàng trở về làng định bụng sẽ đem người yêu bỏ trốn khỏi làng, tới một vùng đất thật xa để cùng nhau sinh sống. Nhưng khi về làng, biết chuyện người yêu, Y Đhin tìm lên chỗ đất sụt lún, chỉ thấy một khe nước nhỏ chảy róc rách, như tiếng nỉ non than khóc âm ỉ của người tình. Không cầm lòng được, chàng cởi trần nhảy xuống khe nước, nằm ngâm mình cho đến lúc cơ thể chàng cũng tan biến vào trong lạch nước.
Hồn của hai người yêu nhau cùng nhập vào cây rừng, khiến cả đồi cây trở thành khu rừng thiêng. Ai chặt cây ở đây về dựng chòi, chòi sẽ bị con voi rừng giẫm nát. Ai chặt cây ở đây về dựng nhà, nhà sẽ bị cháy trụi. Từ đó, dân làng không còn ai dám chặt cây ở đây, không dám phá rừng ở đây để làm rẫy.
Người ta bảo: Sở dĩ khi bốn xung quanh còn nắng chang chang mà trên đồi lại lất phất mưa bay, ấy là lúc nàng H’Lăm khóc. Cây lá ở đây có nhiều màu sắc đẹp, ấy là mùa nàng H’Lăm đang dệt váy áo. Những khi hương hoa rừng toả ra thơm ngát, ấy là khi nàng H’Lăm đang gội tóc trên đồi. Nàng không mất đi mà vẫn đang hiện hữu trên quả đồi, trên từng thân cây, trên từng sắc lá, trong từng mùi hương, trong từng tiếng chim hót. Nàng linh thiêng lắm. Chính vì vậy mà dân làng đặt tên cho quả đồi là Cư H’Lăm.
Về Cư M’gar, tôi còn được nghe nhiều di bản khác của truyền thuyết tình yêu giữa nàng H’Lăm và chàng Y Đhin. Dù có những chi tiết khác nhau, nhưng đều có chung ý nghĩa ca ngợi tình yêu thuỷ chung của hai người và đều khẳng định Cư H’Lăm là khu rừng thiêng, mọi người chớ đụng vào mà mang tai vạ. Chính truyền thuyết này đã góp phần quan trọng để bảo vệ gìn giữ khu rừng nguyên sinh này từ xa xưa cho đến ngày nay. Đây quả là một câu chuyện đầy nhân văn và rất có ý nghĩa trong cuộc sống hiện nay.
Giá như ở buôn nào của đồng bào Tây Nguyên cũng “tìm lại” được một truyền thuyết như thế, để đồng bào cùng có chung một niềm tin nội tâm trong việc giữ rừng và buôn nào cũng có được một cánh rừng chung của cộng đồng như thế thì tuyệt vời biết bao nhiêu. Tất nhiên, việc bảo vệ, gìn giữ được rừng cây ở Cư H’Lăm còn có công sức đóng góp của cán bộ chính quyền thị trấn Ea Pôk và kiểm lâm huyện Cư M’gar.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Chính quyền và kiểm lâm ở đây đã rất khéo léo trong việc sử dụng truyền thuyết kết hợp với việc tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân, tổ chức vận động ký cam kết bảo vệ rừng với từng hộ dân trên địa bàn, xây dựng ý thức tự giác không phá rừng cho từng người dân và chính họ đã góp phần phát hiện, ngăn chặn kịp thời tất cả những hành vi phá rừng khi mới manh nha.
Mới đây, ngày 24/9/2009, trên cơ sở xác định được giá trị to lớn nhiều mặt của rừng nguyên sinh Cư H’Lăm, UBND tỉnh Đắc Lắc đã ra quyết định công nhận Cư H’Lăm là “Di tích danh lam thắng cảnh” của tỉnh. Chúng tôi cũng vừa được một cán bộ lãnh đạo của UBND huyện Cư M’gar cho biết: Một doanh nghiệp du lịch của Đắc Lắc và một doanh nghiệp du lịch của TP.Hồ Chí Minh đang kết hợp khảo sát, xây dựng dự án để có thể đầu tư lớn vào khu danh thắng này trong năm tới.