Tại Bạc Liêu, ngoài nạn săn bắt, bẫy chim công khai “giữa trời”, gần đây nhiều chủ vườn chim tư nhân cũng trực tiếp bắt chim, cò trong vườn đi bán.
Tình trạng chính chủ vườn chim tận diệt chim trong vườn, theo các cơ quan chức năng ở Bạc Liêu, vẫn chưa có cơ chế ngăn chặn.
“Thoải mái” tận diệt
Vườn chim của gia đình ông Nguyễn Văn Thiệt (ấp Bình Hổ A, xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long) rộng hơn 6ha là một trong những vườn chim tư nhân lớn ở Bạc Liêu, với số lượng hàng chục ngàn con. Ông Thiệt “khoe”, mỗi năm ông thu trên 100 triệu đồng từ việc bắt chim, cò trong vườn đi bán. Mấy ngày gần đây, mỗi ngày gia đình ông bắt khoảng 200 con chim, cò bán cho các chợ và quán nhậu.
Theo ông Thiệt, chim bắt được bao nhiêu đều có người thu mua hết và “không thấy chính quyền địa phương ngăn cấm gì”. Phần lớn các loại chim, cò mà các chủ vườn chim bắt bán hiện nay là chim non (chưa ra giàng). Với những loài chim này, chỉ cần lấy cần móc xuống là bắt hết nguyên tổ.
Trong vườn chim, chủ vườn bắt chim non để bán, còn bên ngoài vườn, một lực lượng săn bắt hùng hậu khác giăng lưới “vô tư” bẫy chim mẹ. Chị Hòa, ở thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi kể mỗi ngày gia đình chị giăng lưới bắt hàng chục, thậm chí cả trăm con cò, vạc đem bán cho các quán nhậu.
Tan tác những vườn chim
Ông Trần Quốc Hùng, Phó Trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Phước Long, ước tính: “Bình quân mỗi ngày ở các vườn chim trên địa bàn huyện có ít nhất 400 con chim, cò các loại bị bắt bán công khai. Đó là chưa kể số chim bị những người không có vườn chim săn, giăng bẫy đem ra các chợ bán”.
Vườn chim Bạc Liêu (phường Nhà Mát, thị xã Bạc Liêu) rộng 107ha, có trên 100 loài chim sinh sống, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Theo ông Nguyễn Trung Chánh, Giám đốc Ban quản lý vườn chim Bạc Liêu, dù có lực lượng bảo vệ nhưng vườn chim này cũng không tránh khỏi nạn trộm cắp, săn bắn, bẫy chim. Vì thế lượng chim ở đây hiện giảm rất nhiều so với trước.
Thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu chỉ chú trọng đầu tư bảo tồn khu vườn chim Bạc Liêu, còn các vườn chim tư nhân vẫn chưa có phương án nào cụ thể để bảo tồn và phát triển. Vì vậy, nhiều chủ vườn chim vô tư khai thác chim, cò để bán. Những năm gần đây số lượng loài cũng như số cá thể chim hoang dã ở đây đã giảm đáng kể, trong đó không ít loài chim hoang dã di trú, quý hiếm cũng thưa dần.
Người dân lo ngại, nếu chính quyền địa phương không sớm có chính sách bảo tồn các vườn chim, ngăn chặn tình trạng săn bắt chim, cò theo kiểu tận diệt thì không bao lâu nữa những vườn chim ở Bạc Liêu chỉ còn là dĩ vãng.
Với 7 vườn chim quy mô lớn, Bạc Liêu là một trong những tỉnh có nhiều vườn chim nhất ở vùng ĐBSCL. Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bạc Liêu, các loài chim hoang dã đều bị cấm khai thác. Việc săn bắt chim trái phép cần phải được xử lý nghiêm. Song ông Phúc thừa nhận, thời gian qua việc xử lý các trường hợp này rất khó khăn, nhất là đối với các chủ vườn chim tư nhân.