UNESCO thúc đẩy bảo tồn các di sản biển thế giới

Cập nhật: 29/11/2010
Ngày 26/11, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) kêu gọi các nước sở hữu các di sản biển của thế giới tăng cường bảo tồn và bảo vệ các di sản vô giá này của nhân loại.

UNESCO nhấn mạnh các di sản có tên trong Danh sách các di sản biển của thế giới được coi là "những viên ngọc trên vương miện của các đại dương." Tuy nhiên, các di sản này đang đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng từ quá trình công nghiệp hóa và khai thác không bền vững các nguồn lợi của biển và đại dương.
Theo số liệu của UNESCO, trong gần 6.000 khu vực biển và đại dương được khoanh vùng để bảo vệ trên toàn cầu, hiện chỉ có 43 khu vực được UNESCO đưa vào Danh sách các di sản biển của thế giới cần được bảo vệ, bảo tồn theo quy chế quốc tế cao nhất. Tổng cộng hơn 1,4 triệu km2 biển và đại dương trên thế giới, chiếm 0,4 % tổng diện tích đại dương toàn cầu, hiện đang được bảo vệ theo quy chế này.
Ông Francesco Bandarin, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO về văn hóa, lưu ý rằng các di sản biển của thế giới cần được bảo vệ và bảo tồn một cách đặc biệt nhất do các di sản này được thế giới thừa nhận là những khu vực đẹp nhất, có đa dạng sinh học lớn nhất hoặc có các quá trình địa chất, sinh học và sinh thái độc đáo nhất, được tuyển chọn thông qua quá trình nghiêm ngặt trong nhiều năm.
Sự tổn hại hoặc biến mất của các di sản này sẽ là thiệt hại không thể bù đắp đối với nhân loại. Quy chế di sản biển thế giới cung cấp cho các nhà bảo tồn các quyền cao nhất và được sử dụng các biện pháp mạnh nhất để ngăn chặn quá trình phát triển kinh tế có thể phá hoại các di sản này.
Năm 1999, chương trình mở rộng nhà máy sản xuất muối quy mô thương mại ở Vịnh El Vizcaino thuộc Mexico đã bị đình chỉ để bảo vệ khu vực biển nguyên sơ cuối cùng vốn là môi trường sinh sản của cá voi xám Thái Bình Dương.
Di sản biển thế giới lần đầu tiên được UNESCO phát động và tuyển chọn từ năm 1981. Trong số những di sản đầu tiên được đưa vào danh sách này có Công viên vỉa san hô lớn của Australia, quần đảo Galapagos của Ecuador và Vịnh Hạ Long của Việt Nam./.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+