Chung tay bảo vệ di sản Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng

Cập nhật: 29/11/2010
Gần 10 năm qua, Vườn đã thu được nhiều thành quả trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản. Đến nay độ che phủ của rừng Quảng Bình đạt 66,6%, đứng thứ 2 toàn quốc sau tỉnh Kon Tum.

Nhân kỷ niệm ngày Lâm nghiệp Việt Nam 28/11, sáng 27/11, Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng tỉnh Quảng Bình, Hợp phần Dự án hỗ trợ kỹ thuật bảo tồn và phát triển Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha- Kẻ Bàng, Vườn thú Cologne (Đức) đã phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông và trồng cây dã ngoại tại Di sản Thiên nhiên thế giới này.

Với chủ đề “Cùng chung tay bảo vệ Di sản thiên nhiên thế giới”, hơn 300 cán bộ kiểm lâm, các em thiếu niên, nhi đồng, đoàn viên thanh niên CLB Bảo tồn Di sản của 5 xã vùng đệm Phong Nha-Kẻ Bàng gồm: Sơn Trạch, Hưng Trạch, Phúc Trạch, Xuân Trạch, huyện Bố Trạch và xã Thượng Hoá, huyện Minh Hoá đã tham gia hoạt động truyền thông tại Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng. Với thông điệp “Trước khi chặt hạ một cây rừng, chúng ta hãy trồng một rừng cây”,  các thành viên đã tổ chức trồng các loại cây bản địa trong khu vực di sản và tuyên truyền người dân nâng cao ý thức  bảo vệ di sản.

Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng có diện tích  trên 120.000 ha, là khu vực có tính đa dạng sinh học cao, là nơi sinh sống của nhiều loại động, thực vật đặc hữu, quí hiếm. Gần 10 năm qua, được sự giúp đỡ của các cấp, ngành, tổ chức quốc tế, nhà khoa học, Vườn đã thu được nhiều thành quả trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Nhờ vậy, đến nay độ che phủ của rừng Quảng  Bình đạt 66,6%, đứng thứ 2 toàn quốc sau tỉnh Kon Tum.

Ông  Nguyễn Văn Huyên, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng tỉnh Quảng Bình nói: “Ngoài trồng cây phủ xanh đất trồng đồi núi trọc, một tác dụng rất quan trọng nữa là để giáo dục cho thế hệ trẻ. Chính vì thế trong những năm qua, ở vùng Phong Nha Kẻ Bàng có những thay đổi cơ bản. Các em đã biết trồng rừng và tuyên truyền với gia đình, địa phương là trồng rừng có thể đưa lại hiệu quả kinh tế”.

Cũng thời gian qua, Vườn đã điều tra, phát hiện và bảo tồn nhiều loài động thực vật mới. Thành công đó đã giúp cho Phong Nha-Kẻ Bàng hoàn tất hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản lần 2 với tiêu chí đa dạng sinh học.

Ông Tso Tens  Kallabinski, cố vấn trưởng Hợp phần Hỗ trợ kỹ thuật GTZ- CHLB Đức cho rằng: “Mọi sự hỗ trợ về tài chính, đầu tư sẽ không thành công khi mỗi người dân đều không có sự thay đổi nhận thức. Mọi thay đổi đến từ hành động cụ thể từ chính mỗi con người tham gia bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới đa dạng sinh học này”.

Cùng với các hoạt động nghiệp vụ khác, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng  đặc biệt chú trọng đến công tác truyền thông dã ngoại, với những việc làm cụ thể, thiết thực, nhằm nâng cao ý thức của người dân trong thực hiện nghiêm túc Luật Phát triển và Bảo vệ rừng, Luật Di sản, Luật đa dạng sinh học… Thông qua các Câu lạc bộ Bảo tồn di sản vùng đệm và các trường học trên địa bàn để người dân cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, góp phần bảo vệ và phát huy các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng với một mục tiêu chung là Di sản cho toàn nhân loại của Việt Nam./.

 

Nguồn: VOV