Quảng Nam: Bốn di tích quốc gia bị xâm hại

Cập nhật: 29/11/2010
Theo thống kê của Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, toàn tỉnh có 256 di tích cấp tỉnh và 49 di tích cấp quốc gia. Trong đó, 4 di tích cấp quốc gia đang bị xâm hại; 32 di tích cấp tỉnh xuống cấp nghiêm trọng, 89 di tích hiện là phế tích hoặc không còn dấu vết.

Toàn cảnh lăng mộ Đoàn Quý Phi.

Ngoài di tích lăng mộ Hiếu Chiêu Hoàng hậu Đoàn Quý Phi đã thành phế tích, 1 di tích cấp quốc gia, khác của Quảng Nam cũng xuống cấp trầm trọng, đến nay còn thua một cái lò gạch cũ bỏ hoang: Phật viện Đồng Dương.

Theo sử sách, năm 875, Vua Chăm Indravarman II đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo và đền thờ vị Bồ Tát bảo hộ cho vương triều là Laksmindra Lokesvara Svabhayada (nước Chăm Pa xưa). Năm 1901, L. Finot - một học giả người Pháp, đã phát hiện 229 hiện vật ở Đồng Dương, trong đó có một tượng Phật bằng đồng cao 108cm mang đậm các yếu tố nghệ thuật Ấn Độ.

Một năm sau đó, nhà nghiên cứu H. Parmentier đã khai quật di tích Đồng Dương và tìm thấy nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá. Đến năm 1978, nhân dân địa phương đã đào được một pho tượng Bodhisattva (Bồ Tát) bằng đồng thau, cao 114cm, ở gần khu đền thờ chính. Đây được xem là khu di tích quan trọng bậc nhất của kiến trúc Phật giáo Chăm Pa, nằm tại thôn Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, Thăng Bình). Qua thời gian bị tàn phá nặng nề, ngày 5-1-2001, Phật viện được công nhận di tích quốc gia.

Nhưng công nhận thì cứ công nhận là vậy, còn sự rệu rã vẫn chưa được ngăn chặn. Theo hướng dẫn của ông Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc - Trương Văn Việt, phải đến ba lần quay ra quay vào, chúng tôi mới vạch được cây cối, tìm ra tháp Sáng - dấu tích còn lại duy nhất của Phật viện Đồng Dương. Tháp Sáng chỉ còn là một hình khối cao khoảng 5m, rộng 3m mốc meo, đen sì. Tường gạch lở loét nham nhở được chống đỡ bởi những cây gỗ đã mục gốc.

Ông Trương Văn Việt cho biết, xã cố gắng chống mấy cái cột từ 7 - 8 năm trước để giữ cho di tích không bị đổ. Hàng ngàn viên gạch cổ cỡ 20x30x5cm đã bị người dân lấy từ các tháp về bán hoặc xây nhà.

Một thực tế ở Quảng Nam là di tích được giao về cho xã, phường quản lý, tuy nhiên kinh phí địa phương dành cho công tác quản lý, bảo vệ di tích thì rất hạn chế. Chả thế mà một người có trách nhiệm ở tỉnh Quảng Nam - xin giấu tên - tâm sự chua chát: Mỗi năm, tỉnh bỏ ra hàng chục tỷ cho 2 di sản thế giới Mỹ Sơn và Hội An, chưa kể tiền trung ương rót về. Chỉ cần trích từ nguồn kinh phí khổng lồ đó cho các di tích trên vài phần trăm là quý lắm rồi! Bỏ tiền tỉ để làm lễ hội thì không sao, nhưng làm di tích, mà di tích không đẻ ra tiền, sao khó quá!

 

Nguồn: Theo Dân Việt