“Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, thực trạng và giải pháp” là chủ đề cuộc hội thảo vừa được Sở VHTTDL Hà Giang tổ chức. Hội thảo là một hoạt động thiết thực và bổ ích nhằm nâng cao hơn nữa niềm tự hào và ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và cả cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị và hóa phi vật thể của các dân tộc ở Hà Giang.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo trình bày thực trạng công tác bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể tại Hà Giang trong thời gian qua. Báo cáo nhấn mạnh, trong những năm qua, công tác bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã đạt được kết quả rất đáng khích lệ: nhiều lễ hội được phát huy như lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, lễ cúng cơm của dân tộc La Chí, lễ cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo, hát quan làng của dân tộc Tày, âm nhạc dân gian của dân tộc Bố Y; nhiều bài dân ca, dân vũ, truyện cổ tích, truyền thuyết, câu đố được đồng bào các dân tộc lưu giữ và truyền miệng lại cho các thế hệ sau. Điều đó đã góp phần rất lớn trong việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc ở Hà Giang.
Tuy nhiên, những giá trị văn hóa này đang đứng trước nguy cơ bị mai một và mất dần đi, nhất là những di sản văn hóa phi vật thể đã từng được nghiên cứu, sưu tầm và khảo sát còn mang tính dàn trải, chưa sâu và hiểu biết còn mang tính phiến diện.
Trước thực trạng trên đây, các đại biểu tham dự hội thảo đã đưa ra một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Hà Giang, đó là: Nâng cao nhận thức quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; có chính sách khuyến khích các nghệ nhân, cử cán bộ xuống cơ sở khảo sát, ghi chép, xây dựng kế hoạch mở lớp để các nghệ nhân truyền dạy dân ca cho thế hệ trẻ. Chính quyền địa phương cần có cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, truyền dạy và giới thiệu văn hóa phi vật thể của tỉnh ta. Tổ chức đánh giá, và phổ biến kinh nghiệm thực hành trong công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể. Tăng cường công tác tuyên truyền về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể nhất thiết phải có sự tham gia trực tiếp của người dân, gắn với lợi ích của họ...
Có thể nói, các ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ góp phần gợi mở cho các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, các nhà quản lý có những định hướng trong việc bảo tồn văn hóa phi vật thể tại Hà Giang rong những năm tới.
(tin từ HG)