Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù-Luông (KBTTN) đặc sắc nhờ vẻ đẹp tự nhiên, và nét văn hóa truyền thống của những cộng đồng dân cư sống cận kề. Ngày nay nhờ những chương trình phát triển, Pù-Luông đang như một nàng tiên được đánh thức, trở thành điểm thu hút khách du lịch.
Đó là cảm nhận của chúng tôi khi đến với những bản làng xinh đẹp vùng cao, ẩn mình bên những khu rừng thuộc Khu bảo tồn nhiên nhiên Pù Luông trong chuyến khai trương mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.
Nằm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông được thành lập năm 1999 và là một phần trong vùng cảnh quan Cúc Phương-Pù Luông, đặc trưng bởi diện tích kéo dài của vùng đá vôi, bao gồm cả vùng rừng đất thấp còn lại của núi rừng phía Bắc Việt Nam được đánh giá có tầm quan trọng toàn cầu về đa dạng sinh học.
Khu bảo tồn là nơi quản lý nghiêm ngặt khoảng 17 ngàn héc ta (vùng lõi), nhưng cũng là nơi sinh sống của khoảng 17 ngàn người dân sống xung quanh, chủ yếu là bà con dân tộc Thái, Mường. Họ là những người bảo vệ thiên nhiên và lưu giữ giá trị văn hóa qua nhiều thế hệ.
Những năm trở lại đây, các công ty du lịch ngày càng xuất hiện nhiều ở Pù Luông. Khách tham quan cũng vì vậy mà tấp nập hơn. Nhưng có một nghịch lý, khách đến rồi khách lại đi, nguồn thu đổ về túi công ty lữ hành, còn cái nghèo của bà con, của địa phương thì vẫn không thay đổi. Bên cạnh đó, nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên ngày càng lớn do dân số tăng nhanh đang đặt gánh nặng lên khu bảo tồn.
Mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng là sáng kiến của Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI), do Quĩ Irish Aid của Sứ quan Ai-len tài trợ. Chương trình đã hỗ trợ thành công nâng cao năng lực cho các cộng đồng dân tộc Thái và Mường của địa phương, để chính họ biết cách giới thiệu và quảng bá với du khách nền văn hóa và cảnh quan thiên nhiên của mình, hỗ trợ tích cực cho việc tăng cường bảo vệ những loài bị đe dọa trong Khu bảo tồn.
Ngày nay đến Pù Luông du khách sẽ có dịp đến với những phát hiện thú vị, những cảnh sắc hấp dẫn, những bản sắc độc đáo của địa phương. Khi vào rừng, lúc ra thăm thôn bản, khi khám phá Hang Dơi, khi nghỉ đêm tại những ngôi nhà sàn truyền thống, trải nghiệm nếp sinh hoạt của gia đình người Thái, hòa mình với những điệu múa, bài hát truyền thống của người Mường, người Thái như múa nón, múa sạp, hát ru con… tất cả đều là những trải nghiệm mới mẻ và khó quên.
Sau chuyến đi hai ngày của một số hướng dẫn viên du lịch nhằm tìm hiểu dịch vụ, tiềm năng du lịch của khu vực này, anh Đào Trọng Đức, Công ty Vidotour đã cho biết: “Tôi yêu người dân nơi đây. Mọi người đều rất chân thành, phong cảnh bản làng nơi đây vừa thanh bình vừa độc đáo với những nếp nhà sàn truyền thống và những thửa ruộng lúa bậc thang. Nhìn chung đây là một sản phẩm du lịch tốt. Chỉ cần cộng đồng hoàn thiện hơn nữa một vài dịch vụ nho nhỏ cho du khách thì tôi tin là mọi du khách đều rất mong muốn được tới thăm và khám phá miền đất này.”
Với mục đích thúc đẩy nguồn thu từ hoạt động du lịch và hình thành lên một quĩ chung phục vụ cho cộng đồng, đầu tư duy trì và phát triển các nét truyền thống và bản sắc văn hóa của địa phương, một dự án của tổ chức FFI cũng đã hỗ trợ thành lập Hiệp hội Du lịch sinh thái Cộng đồng Pù Luông, có sự tham gia của đại diện cộng đồng.
Nói về hiệu quả của mô hình du lịch này, ông Đỗ Ngọc Dương, Phó giám đốc Khu bảo tồn nhận xét: “Hoạt động du lịch đã góp phần cải thiện đời sống của cộng đồng và tăng thêm thu nhập cho bà con, từ đó góp phần giảm bớt đáng kể những tác động của cộng đồng tới rừng như săn bắn, chặt cây…”. 10% thu nhập từ hoạt động du lịch được trích nộp vào ‘Qũy thôn bản’ để sử dụng cho các hoạt động bảo vệ môi trường thôn bản bao gồm cả chi trả thù lao cho nhóm tuần rừng cộng đồng tuần tra bảo vệ Khu bảo tồn.”