Hai nữ tiến sĩ Nhật Bản “ba cùng” ở Đường Lâm

Cập nhật: 03/12/2010
Câu chuyện về hai tình nguyện viên Nhật Bản Yoriko Yamaguchi và Aiko Inoue "ba cùng" ở làng cổ Đường Lâm cho thấy những trải nghiệm, tâm huyết và một tình yêu với Việt Nam của hai cô gái Nhật Bản.

Vào những ngày cận kề Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, chúng tôi về ngôi làng cổ cách Hà Nội chừng 60km, chứng kiến những hoạt động của họ và nỗ lực của các chuyên gia Nhật Bản trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm.

“Rành” làng như người làng

Từ ngày "ba cùng" ở Đường Lâm, chiếc xe đạp mi ni luôn đồng hành cùng Yoriko trên những con đường làng. Theo chân Yoriko vào làng, dừng lại ở chùa Ón, công trình có ý nghĩa tâm linh nằm ngay trước cổng làng Mông Phụ vừa được hoàn thành công việc tu bổ. Thấy tôi ngạc nhiên về ngôi chùa nhỏ trên khoảng sân rộng mà mất đến ba tháng mới hoàn thành, Yoriko giải thích: “Ba tháng đấy. Để tháo dỡ, chọn lọc giữ lại viên ngói, từng thanh gỗ còn tốt, thiết kế rồi mới phục dựng".

Là tư vấn kỹ thuật và giám sát, Yoriko khá cẩn trọng với chi tiết phương án tôn tạo, tỷ mỷ từng chi tiết nhỏ, "bám sát" từng bước công trình chùa Ón - ông Nguyễn Trọng An, Phó trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm nói về Yoriko. Cô đưa ra sáng kiến “nắn” thẳng bức tường chùa bị nghiêng bằng cách xử lý phần móng mà giữ nguyên kiến trúc cũ. Đây cũng là công trình đầu tiên mà cô kiến trúc sư 29 tuổi thực hiện sau khi tốt nghiệp tiến sĩ về bảo tồn di sản ở trường đại học Tsukuba, Tokyo.

Đến Đường Lâm cách đây một năm, Yoriko quê ở Hokkaido phải “vượt” qua nhiều đơn xét duyệt làm tình nguyện viên của các “ứng viên” ở Nhật Bản. Nhớ lại những ngày đầu, Yoriko dành nhiều thời gian "thâm nhập" thực tế, ghi ghi chép chép, đo đạc số liệu, chụp ảnh... Ngôi làng cổ đồng bằng sông Hồng, "làng hai vua" lưu giữ những di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc có giá trị hàng trăm năm, hấp dẫn những tìm tòi của cô kiến trúc sư. Nhanh chóng hòa đồng với cuộc sống thôn quê dân dã, “vốn” tiếng Việt mà Yoriko tự đánh giá “chưa đạt”, dù sao cũng đã được cải thiện.

Nghiên cứu về kiến trúc nông thôn Bắc bộ nói chung và làng cổ Đường Lâm - di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia nói riêng, Yoriko giới thiệu với tôi khá rành rẽ về cổng làng Mông Phụ, không phải như các cổng làng khác ở vùng Bắc Bộ có gác ở trên mái với những mái vòm cuốn tò vò. Cổng làng Mông Phụ chỉ là một ngôi nhà hai mái đốc nằm ngay trên đường vào làng, vừa được hoàn thiện tu bổ với sự tham gia, giám sát của tình nguyện viên Nhật Bản đầu tiên ở Đường Lâm, cô Onuki Naoko. Theo anh An, đây cũng là công trình kiến trúc đầu tiên trong dự án bảo tồn làng cổ Đường Lâm với sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Giữ nét quê ở nhà cổ

Từ cổng làng Mông phụ, trung tâm của quần thể di tích làng cổ Đường Lâm, Yoriko và Aiko dẫn chúng tôi qua những ngõ ngoằn nghèo theo hệ thống hình xương cá để vào bên trong làng. Những bức tường dài xây bằng đá ong dường như ngả mầu vàng nâu thẫm hơn trong ngày "Tháng tám nắng rám trái bưởi", câu thành ngữ Việt Nam được cả hai bạn Nhật thích thú. Lưng ướt đầm mồ hôi, Aiko nói nhỏ: "Ngay khi bước sân vào nhà cổ, bạn sẽ thấy dễ chịu hẳn đấy...”, khi chúng tôi bước chân tới nhà anh Nguyễn Văn Hùng, con đời thứ 12 của dòng họ Nguyễn Văn ở Mông Phụ. Đây là một trong 12 nhà cổ được công nhận di tích lịch sử cấp thành phố.

Ngôi nhà cổ năm gian rộng trăm mét vuông nằm trong khuôn viên rộng 420m2. Như hướng dẫn viên du lịch, ông Hùng giới thiệu, nhà được xây dựng chủ yếu bằng đá ong, gạch mộc, gắn kết bằng đất trộn với trấu, kết hợp với vật liệu gỗ giúp cho nhà luôn "đông ấm, hè mát". Cột trụ và trần nhà được làm bằng gỗ xoan, gỗ mít, gian giữa ngôi nhà được đặt bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, hai gian bên là nơi mẹ chồng nàng dâu ở.

Ông Nguyễn Trọng An cho biết thêm, ngoài gần 1.000 nhà truyền thống, có khoảng 30 nhà cổ xếp vào loại 1 còn giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc cổ, có niên đại trên dưới 200 năm tuổi ở Đường Lâm. Giống như nhà ông Hùng, những ngôi nhà cổ này phần lớn có cổng, xây tường bao, sân và đều không quay mặt thẳng ra đường. Bố cục kiến trúc trong khuôn viên thường kết cấu theo kiểu chữ nhất, chữ nhị, chữ đinh và chữ môn.

Tấm gỗ khắc chữ treo trên tường đã phai mờ nét theo năm tháng, nhưng theo nghiên cứu của Viện Hán nôm, cho thấy ngôi nhà được xây vào năm 1649. Cùng tuổi với ngôi nhà là hộp dương kê giữa nhà và một số đồ thờ. Gia đình ông dành tiền để đảo lại ngói, nâng cấp bộ khung gỗ nhưng dường như vẫn không chống lại sự "tấn công" của mối mọt.

Năm 2008, ngôi nhà hơn 360 năm tuổi này được đề xuất thẩm định và chọn là công trình nhà cổ phục dựng, bảo tồn đầu tiên với sự hỗ trợ của JICA và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ông Hùng cho biết, sau khi các chuyên gia của Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa của Nhật Bản đánh giá vật liệu, nhất là phần gỗ, ngôi nhà được tháo dỡ tòan bộ. Trong ba tháng, những vật liệu thay thế được "cấy" khéo léo vào bên trong hài hòa với các vật liệu cũ, ngôi nhà cổ chỉ sau ba tháng phục dựng gần như nguyên bản với 5 gian chính, 3 gian bếp và khu vệ sinh.

Sau ba năm làm cán bộ quản lý tại Trung tâm UNESCO ở Bangkok (Thái-lan), Aiko, cô tiến sĩ quản lý di sản văn hóa quyết định chọn Việt Nam là nơi cô trải nghiệm kinh nghiệm và kiến thức của mình. Gắn bó 6 tháng ở đây, cô tình nguyện viên Nhật được bà con yêu quý, "dạy" nhiều món ăn "nhà quê". Aiko bắt đầu ghiền uống chè tươi Cam Lâm hay nụ vối trong bát mộc, được gia chủ nấu nước giếng khơi, bánh tẻ hay tương đặc sản Đường Lâm...

Như người trong nhà, Aiko xuống bếp, "xắn tay" cùng vợ chồng ông Hùng chuẩn bị bữa ăn trưa cho đoàn khách nước ngoài. Bữa trưa giản dị được thưởng thức ngay tại nhà cổ, bên ngoài vườn, với cơm gạo mới, gà mía, rau muống luộc chấm tương, nước chè tươi... mang đến hương vị ẩm thực đặc trưng của làng cổ Đường Lâm.

Đồng hành và kết nối

Ông Hà Nguyên Huyến, chủ nhà cổ xây dựng năm 1848, là người được coi là “chuyên nghiệp” ở làng cổ biết cách làm du lịch từ cách đây 10 năm. Không coi việc lãi lời là “trọng”, ông bảo, làm theo niềm đam mê, để “khoe” và tự hào về nét đẹp nhà cổ.

Trong ngôi nhà năm gian treo đầy tranh của vợ, ông chủ nhà cổ “kiêm” nhà báo của tờ Văn nghệ chia sẻ, qua những dãy tường bằng đá ong thấy hụt hẫng khi xuất hiện nhà cao, cửa sắt bề thế. Thế mới có chuyện, bức xúc biết tin chủ nhà “đòi” đập cổng cũ xây cổng mới, ông không ít lần "vác tù và hàng tổng" đi vận động để giữ "nét quê” cũ ấy.

Ông Huyến quả quyết, nếu không có các nghiên cứu và đánh giá của các chuyên gia Nhật Bản và tình nguyện viên JICA mang tính thuyết phục, "khơi gợi" giá trị truyền thống thì người nông dân ở đây vẫn chưa nhận thấy giá trị thực của nhà mình, làng mình.

Trong cuộc hội thảo mới đây do JICA tổ chức ngay tại làng cổ nhân kỷ niệm năm năm làng cổ được công nhận di tích quốc gia, Giáo sư Hiromichi Tomuda đến từ trường Đại học nữ Chiêu Hòa, người đầu tiên khởi xướng thực hiện dự án bảo tồn làng cổ Đường Lâm và cũng là người góp phần quan trọng để Hội An là Di sản thế giới cho biết, Nhật Bản có 64 ngôi làng cổ được công nhận là Di sản văn hóa, trong đó một nửa là Di sản thế giới, có những di sản chỉ có hai nhà cổ nhưng rất được trân trọng bảo tồn.

Giáo sư Tomuda còn khẳng định, khó có một nơi nào mà chỉ trong một diện tích nhỏ 2km x 1,5km mà lại có "mật độ" di tích nhiều như ở Đường Lâm, riêng Mông Phụ có 500 công trình kiến trúc có giá trị. Nếu coi phố cổ Hà Nội, phố cổ Hội An là bảo tàng lối sống đô thị thì làng cổ ở Đường Lâm là bảo tàng lối sống nông nghiệp, mang giá trị đặc trưng của một làng Việt cổ ở vùng châu thổ sông Hồng.

Với sự hỗ trợ của JICA, các chuyên gia Nhật Bản không chỉ tham gia bảo tồn các giá trị vật thể như cổng làng Mông Phụ, chùa Ón, 6 nhà cổ, mà “vào cuộc” với dự án hỗ trợ nông dân làng cổ cách làm du lịch, cải thiện đời sống qua khai thác tiềm năng. Nhiều chuyên gia Nhật Bản đang nghiên cứu trang phục và ẩm thực truyền thống, góp phần tạo nên bức tranh hoàn chỉnh về làng cổ Đường Lâm.

Theo Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, năm 2020 dự kiến sẽ đón 30 nghìn khách đến tham quan làng cổ. Trong khi, nhiều nhà cổ do không có người phục vụ và diện tích có hạn, cũng tỏ ra lúng túng khi phục vụ đoàn khách đông. Để trở thành một điểm đến văn hóa đặc sắc của nông thôn Việt Nam, Aiko cho rằng, không nên nhận khách quá đông, vì sẽ khiến cho nhà cổ trở nên "quá tải", việc phục vụ khó có thể chu đáo. Điều quan trọng nhất đối với dịch vụ chính là phải coi trọng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đều đặn, tuần một lần họp với Ban quản lý làng cổ, ngoài việc đánh giá công việc, Yoriko và Aiko lên kế hoạch "lồng ghép" với những hoạt động của Ban quản lý. Chỉ hai năm "nhiệm kỳ" làm tình nguyện viên, hai bạn vẫn ngày ngày tự học, mong “vốn tiếng Việt kha khá”, để được hiểu nhiều hơn về văn hóa cũng như cuộc sống làng cổ. Ý tưởng tổ chức cuộc thi tìm hiểu về làng cổ cho học sinh trong xã của họ được đánh giá cao.

Còn nhiều thách thức đối với người nông dân làng cổ "bắt tay" phát triển du lịch bền vững. Đồng hành cùng với họ còn là những người bạn Nhật Bản, những tình nguyện viên được coi là "nhịp cầu" kết nối.

Ông Matsunaga Masaei, Phó Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cho biết: Dự án bảo tồn làng cổ Đường Lâm là rất quan trọng trong hợp tác phát triển hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) cùng với làng Phước Tích (Thừa Thiên-Huế) và làng Đông Hòa Hiệp (Tiền Giang) là ba khu vực mục tiêu nằm trong Dự án mới về Thúc đẩy phát triển cộng đồng tự lực bền vững thông qua Du lịch di sản (9-2010 - 9-2013) theo Chương trình Đối tác JICA phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa của Nhật Bản.

TRÀ MY

 

Nguồn: Báo Nhân dân điện tử