Làng Lương Ngọc, xã Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) từ lâu được biết đến là một làng cổ truyền thống của dân tộc Mường. Đây là một khu vực hội tụ nhiều tinh hoa, nét đẹp của một làng truyền thống, lại là điểm cộng hưởng giữa hai nguồn tài nguyên du lịch nhân văn và tài nguyên du lịch thiên nhiên độc đáo của tỉnh Thanh Hóa.
Làng Lương Ngọc là nơi tiếp nối giữa vùng miền núi cao của tỉnh Thanh Hóa với tỉnh Hòa Bình. Do thừa hưởng hệ thống núi đá bao quanh nên Lương Ngọc có hệ sinh thái với những hang động hoang sơ như động Cây Tăng và rừng nguyên sinh rộng trên 500ha với nhiều loại cây cổ thụ quý hiếm. Đặc biệt, mó nước trong như ngọc từ trong lòng núi Trường Sinh chảy ra quanh năm đầy ắp cá hiện nay chính là suối cá thần thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, Lương Ngọc còn có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn vô cùng độc đáo, bao gồm hệ thống các trò chơi, trò diễn và lễ hội dân gian truyền thống gắn với truyền thuyết dựng bản lập Mường.
Tuy nhiên, trước năm 2009, tiềm năng về du lịch của Lương Ngọc còn bỏ ngỏ, mới chỉ dừng lại ở các hoạt động thăm thú hang động, suối cá và rừng nguyên sinh. Nguồn tài nguyên nhân văn có chất lượng cao như hệ thống các trò chơi, trò diễn, dân ca, dân vũ, dân nhạc, lễ hội, nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát, sinh hoạt văn hoá ẩm thực... vẫn chưa được khôi phục nên không có sức hút giữ chân du khách để tạo ra các sản phẩm dịch vụ du lịch đạt hiệu quả kinh tế cao.
Đứng trước thực trạng khó khăn này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã xây dựng đề án “Bảo tồn làng truyền thống Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy” giai đoạn 2009-2011. Đề án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Mường. Nội dung chính của đề án là khôi phục các trò chơi, trò diễn, dân ca, dân vũ và đặc biệt là phục dựng các lễ hội, lễ tục truyền thống của người Mường Trong tại làng Mường Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ. Từ đó, vừa góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào Mường, vừa đảm bảo cho bà con nhân dân được tham gia hoạt động du lịch cộng đồng từ việc khai thác nguồn lợi tự nhiên của quần thể di tích và danh lam thắng cảnh độc đáo của làng Mường Lương Ngọc.
Từ năm 2009 đến năm 2010, giai đoạn 1 của đề án đã được cơ bản hoàn thành như phục dựng một số lễ hội, lễ tục: Lễ hội khai hạ, Làm vía kéo xi, lễ mừng cơm mới, lễ Phường bùa; bảo tồn nhà sàn truyền thống, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ngoài ra còn xây dựng các đội văn nghệ, khảo sát sưu tầm tư liệu để biên soạn in ấn sách, quảng bá du lịch, mở lớp tập huấn, hướng dẫn phục vụ khách du lịch cho nhân dân địa phương.
Ông Ngô Hoài Chung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Đến nay, làng Lương Ngọc đã trở thành điểm đến của du khách cả 4 mùa trong năm, tăng dần vào những ngày cuối tuần và những ngày lễ tết. Du lịch phát triển đã tạo ra nguồn thu cho cả xã Cẩm Lương. Việc phục dựng thành công một số lễ hội tiêu biểu của người Mường và được tổ chức định kỳ tại làng Lương Ngọc cũng thu hút hàng vạn khách du lịch tham gia”.