Sản phẩm du lịch biển "xanh" là những sản phẩm có hàm lượng cao các yếu tố, đặc biệt là dịch vụ thân thiện với môi trường, được phát triển với những nguyên tắc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Sản phẩm này còn phụ thuộc vào chất lượng môi trường và hệ sinh thái biển - yếu tố hàng đầu quyết định tính cạnh tranh, hấp dẫn của điểm đến du lịch trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam.
Phó giáo sư-Tiến sỹ Phạm Trung Lương, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch-Tổng cục Du lịch cho rằng đối với Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam và du lịch biển nói riêng, việc phát triển du lịch biển "xanh" có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao tính cạnh tranh và phát triển bền vững.
Chính vì vậy, một trong 3 mục tiêu cụ thể của chiến lược đã xác định là phát triển du lịch biển "xanh" gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy giá trị tài nguyên môi trường; khẳng định môi trường là yếu tố hấp dẫn du lịch, đảm bảo chất lượng và giá trị hưởng thụ du lịch, thương hiệu du lịch.
Các dự án phát triển du lịch phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về môi trường.
Cùng với dự thảo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Đề án phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020 đã được xây dựng với những mục tiêu phát triển cụ thể như đến năm 2020, du lịch biển Việt Nam phải đứng cùng nhóm nước có du lịch biển phát triển nhất khu vực là Thái Lan, Malaysia, Indonesia với hình ảnh điểm đến khá rõ nét.
Theo mục tiêu đặt ra, Việt Nam phải hình thành được ít nhất 5 điểm đến khu du lịch biển tầm cỡ quốc tế có sức cạnh tranh cao trong khu vực là Hạ Long-Cát Bà; Lăng Cô-Sơn Trà-Hội An; Nha Trang-Cam Ranh; Phan Thiết-Mũi Né và Phú Quốc.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Nguyễn Văn Cư, mặc dù đã có được định hướng cho hoạt động phát triển sản phẩm du lịch biển đặc thù, đặc biệt là sản phẩm du lịch biển "xanh," song thực tế sản phẩm này chưa được khai thác hợp lý. Do đó, cần nâng cao nhận thức của các nhà quản lý các cấp về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển sản phẩm du lịch biển "xanh" đặc thù cho từng khu vực ở vùng ven biển, thông qua việc xây dựng những tiêu chí và đưa vào áp dụng trong thực tiễn. Thêm vào đó, cần đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và thẩm định những dự án đầu tư của các cơ quan quản lý, tư vấn du lịch.