Nhức nhối ô nhiễm làng nghề

Cập nhật: 25/11/2011
Khỏi phải nói đến những hiệu quả nhiều mặt của làng nghề: Vừa tạo được công ăn việc làm cho nhiều lao động sở tại, vừa giữ được nghề truyền thống và phần nào văn hóa đặc sắc của các vùng miền. Tuy nhiên, những năm gần đây, cộng đồng cũng phải lo ngại, thậm chí bức xúc vì nạn ô nhiễm môi trường do các làng nghề gây ra.

Những ngày gần đây, làng miến Dương Liễu được nhiều người biết đến về nghi án miến nhuộm phẩm màu độc hại. Thế nhưng, còn vấn nạn ô nhiễm môi trường ở làng nghề này chưa nhiều người biết đến.

Đến làng Dương Liễu không ít người có chung cảm nhận: Ô nhiễm sông Tô Lịch vẫn không thấm vào đâu so với làng nghề này. Xã Dương Liễu đất chật người đông, nhiều hộ gia đình phải sống chung với gia súc, gia cầm cùng với nghề chế biến nông sản như: Tinh bột sắn, mạch nha, bánh kéo, miến, bún khô… Ngay từ đầu làng, đã thấy các chất thải từ rắn đến lỏng ứ đọng tại các cống rãnh đen ngòm tạo nên một mùi hôi thối khó chịu, đặc biệt mỗi khi mưa xuống, các chất thải đó không thể thoát được, mùi hôi càng khó chịu hơn.

Đi sâu vào trong làng, mùi chua từ bột dong, sắn, mùi hôi nồng nặc từ cống rãnh cứ quấn lấy nhau tạo nên thứ mùi hỗn tạp, nếu ai đến đây lần đầu thì không sao quên được. Ước tính, ở Dương Liễu, mỗi ngày có tới hàng chục nghìn mét khối nước thải, hàng trăm tấn chất thải rắn được tuôn ra. Chưa kể đến những chất hóa học, kiềm, sắt, kim loại… cũng theo các cống rãnh chảy ra ngoài ao, hồ và ngấm xuống mạch nước ngầm làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân. Hiện nay, để đối phó với ô nhiễm nguồn nước và có đủ nước phục vụ nhu cầu sản xuất, các gia đình đều phải khoan giếng sâu từ 40m trở lên. Điều đó cho thấy công suất sản xuất nông sản ở mỗi hộ tăng gấp nhiều lần so với những năm trước đây, đồng thời cũng chứng tỏ tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây đã đến mức báo động khi mà các chất thải không được xử lí, trực tiếp thải ra sông hồ. Đáng ngại hơn là, hiện nay, nhu cầu sản xuất của bà con ngày càng cao. Nếu trước đây, mỗi hộ chỉ sản xuất từ 1-3 tấn dong/ngày, thì hiện nay mỗi hộ phải sản xuất từ 10-30 tấn dong/ngày. Bên cạnh đó, lượng tinh bột sử dụng chỉ chiếm 25%/ tạ bột, còn lại trở thành chất thải tuồn thẳng xuống cống, rãnh, ao, hồ.

Thực tế từ lâu bà con trong xã đều mong muốn xã có chính sách để giúp đỡ bà còn xử lý chất thải, giảm ô nhiễm môi trường, tuy nhiên đến nay người dân vẫn phải xử lí chất thải tại chỗ, thậm chí nhà nào nhiều chất thải phải mang đi đổ ngoài bãi, ngoài đồng.

Ngay từ năm 2002, xã Dương Liễu đã xin ý kiến bà con về việc quy hoạch xây bãi riêng cho sản xuất nông sản của làng, bà con nơi đây rất hưởng ứng và sẵn sàng nhường lại đất nông nghiệp để mở rộng khu sản xuất nghề phụ. Tuy nhiên, dự án không được các cấp chính quyền phê duyệt do miền bãi là vùng chắn lũ nên đến nay dự án này vẫn chưa được xem xét.

Không chỉ thiếu nơi quy hoạch sản xuất, nhiều người dân địa phương cũng bức xúc về vấn đề xử lí chất thải. Được biết, năm 1994, thửa đất đầu làng (5.000m2) được nhượng lại cho việc xây dựng Nhà máy Xử lý chất thải (Cty TNHH Mặt trời xanh), tuy nhiên hiện nay Công ty này không đáp ứng được nhu cầu xử lý chất thải trong làng nghề. Thời gian đầu Công ty có sử dụng chất thải từ làng nghề để chế biến phụ gia, làm phân vi sinh, tuy nhiên sau một thời gian Công ty TNHH Mặt trời xanh thường xuyên chở đất từ các nơi khác về sản xuất, chế biến phân vi sinh mà không sử dụng chất thải từ làng nghề. Được biết, hiện nay UBND huyện đã thông báo thu hồi lại 5000m2 đất đã xây dựng Nhà máy Mặt trời xanh và yêu cầu Nhà máy dừng hoạt động để trong thời gian tới sẽ mở rộng xây dựng Nhà máy Xử lý chất thải lớn hơn với diện tích là 10.000m2. Nhưng đến nay, dự án xây dựng nhà máy trên 10.000m2 vẫn còn mù mịt.

Mở rộng phát triển làng nghề là nhu cầu chính đáng của người dân. Hơn nữa, bà con cũng rất mong muốn có điều kiện để vừa phát triển vừa giữ gìn được môi trường. Thiết nghĩ, cùng với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần sớm giải quyết dứt điểm việc xây dựng Nhà máy xử lý chất thải công suất lớn để đáp ứng nhu cầu cấp thiết và thiết thực của người dân làng Dương Liễu.

 

Nguồn: monre.gov.vn