Làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nằm trong tour du lịch "Hương xưa làng cổ" tại Festival Huế 2012 sắp tới. Ngoài các giá trị tiêu biểu của một ngôi làng cổ, với cây đa, bến nước, sân đình, nhà rường mái ngói rêu phong, cổ kính tồn tại hơn 500 năm, Phước Tích còn nổi tiếng với nghề làm gốm.
Tuy nhiên, sản phẩm gốm tiêu thụ ngày càng giảm, bởi hàng nhôm nhựa tràn ngập thị trường nên ở Phước Tích bây giờ "người già thì giữ nghề, lớp trẻ thì đi làm ăn xa khắp nơi".
Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá nghệ thuật gốm Phước Tích, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hỗ trợ thực hiện đề tài khoa học "Nghiên cứu, phát triển một số mẫu mã sản phẩm gốm truyền thống đặc trưng của làng gốm Phước Tích". Đề tài do Trường Đại học Nghệ thuật Huế chủ trì, thực hiện từ năm 2009 đến nay, nhằm xác định giá trị nghệ thuật chế tác và trang trí gốm Phước Tích, các mẫu mã đặc trưng, đặc điểm tạo hình chế tác, trang trí, xác định tính cụ thể khoa học về bản sắc các tác phẩm gốm, góp phần nghiên cứu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá nghệ thuật gốm Phước Tích.
Thực tiễn cho thấy, công cụ sản xuất của người thợ gốm Phước Tích từ xưa đến nay rất thô sơ như thêu, nề đất, bàn chuốt, bàn xên, hoàn toàn bằng thủ công. Người thợ gốm Phước Tích làm sản phẩm trực tiếp từ sự nhào nặn của đôi tay để tạo ra sản phẩm, ngay cả việc sử dụng lò nung cũng bằng 2 loại là lò sấp và lò ngửa. Các sản phẩm có kích thước nhỏ và vừa, như lu, hông, độc, hũ, ang, âu, om, trách đột, trách…vốn là những vật dụng hàng ngày của người nông dân, với hoa văn đơn giản.
Đề tài "Nghiên cứu, phát triển một số mẫu mã sản phẩm gốm truyền thống đặc trưng của làng gốm Phước Tích" nhằm hỗ trợ người dân tại đây trong việc sáng tác, thiết kế và thử nghiệm các mẫu mã sản phẩm gốm mới. Đồng thời, chuyển đổi công năng sử dụng từ dòng sản phẩm gốm dân dụng thuần túy sang dòng sản phẩm chủ yếu là gốm trang trí ứng dụng có hàm lượng thẩm mỹ và giá trị kinh tế cao; phục hồi một số mẫu gốm truyền thống có tạo dáng đẹp và còn phù hợp với nhu cầu thị trường để phát triển kinh tế, phục vụ du lịch... Đề tài nói trên đã góp phần tạo thêm hướng đi mới cho nghề làm gốm ở làng gốm cổ Phước Tích.
Trước đó, trong khuôn khổ dự án "Hỗ trợ phát huy vai trò cộng đồng trong phát triển bền vững ở Việt Nam thông qua du lịch di sản," do tổ chức JICA phối hợp với Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) thực hiện đã tiến hành hỗ trợ và đào tạo nghề cho 20 người dân Phước Tích duy trì nghề gốm bằng cách sản xuất các sản phẩm, mẫu mã mới dựa trên kỹ thuật truyền thống để giới thiệu tại Festival Huế 2012. Các nghệ nhân của làng nghề Phước Tích vừa học cách sản xuất sản phẩm mới phục vụ đời sống và du lịch trên kỹ thuật chế tác gốm cổ của làng.
Bên cạnh đó, các chuyên gia ẩm thực Nhật Bản còn hướng dẫn kỹ thuật nấu ăn cho khoảng 15 bà nội trợ là người dân trong làng. Những món ăn dân dã quen thuộc của làng quê kết hợp với các sản phẩm gốm của làng nay trở nên hấp dẫn, thu hút khách du lịch như một đặc trưng riêng của người dân Phước Tích./.