Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) và Cơ quan khảo sát địa hình của Mỹ (USGS) đã phối hợp thu thập các hình ảnh vệ tinh, cùng xây dựng tập bản đồ di sản thế giới, đặc biệt là phát hiện các di sản đang có nguy cơ suy thoái và bị tàn phá.
Tập bản đồ mới nhất, mang tên “Từ vũ trụ đến bề mặt Trái Đất: Hình ảnh các di sản thế giới đang bị đe dọa,” được UNESCO và USGS công bố ở New York (Mỹ) ngày 24/2 bao gồm các hình ảnh vệ tinh mới nhất về 31 di sản thế giới thuộc danh sách các di sản đang bị đe dọa bởi nạn cướp phá, thiên tai, dân số, khai thác du lịch và xung đột vũ trang.
Tập bản đồ mới này cũng cho thấy hiệu quả của sáng kiến mở giữa UNESCO và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) về sử dụng công nghệ vũ trụ quản lý các di sản thế giới và hỗ trợ Công ước Di sản thế giới của LHQ. Tập bản đồ đầu tiên các hình ảnh qua vệ tinh về các di sản thế giới được công bố tại Geneve (Thụy Sĩ) tháng 11/2011.
UNESCO khẳng định dù các nước thành viên nỗ lực duy trì và bảo vệ các di sản, nhưng nhiều nước không thể tiếp cận các công nghệ thích hợp nhất để quan sát và đánh giá các mối đe dọa đang nổi lên đối với di sản. Hợp tác của UNESCO với các cơ quan vũ trụ hàng đầu của Mỹ và châu Âu nhằm thu hẹp khoảng cách công nghệ này.
Quản lý từ xa là công cụ quan trọng của UNESCO và các hình ảnh vệ tinh đã cung cấp các thông tin quý giá về những diễn biến tại các khu vực di sản như mất môi trường sống của sinh vật hoang dã, dân cư xâm lấn khu vực di sản, các hoạt động sản xuất nông nghiệp và sự tàn phá do thiên tai, xung đột hoặc biến đổi khí hậu.
Các dữ liệu này có tầm quan trọng sống còn trong việc cảnh báo sớm để làm dịu các mối đe doạ đối với các di sản.
Công nghệ vũ trụ đóng vai trò vô giá trong việc đánh giá và nhận biết sớm các hiểm họa cũng như tác động của các hiểm hoạ này đối với các di sản chung của nhân loại vì lợi ích chung của các chương trình của UNESCO và các nước thành viên./.