Trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững Rio+20 sẽ diễn ra hai sự kiện chính thức bên lề: Hội nghị về Đổi mới xanh trong du lịch (19/06/2012) và hội nghị về Du lịch vì một tương lai bền vững (20/06/2012).
Được đồng tổ chức bởi UNWTO, Bộ du lịch Brazin và Ủy ban chỉ đạo của Liên Hợp Quốc về phát triển du lịch, hai sự kiện này nhằm nhấn mạnh vai trò của du lịch trên hành trình hướng tới phát triển bền vững toàn cầu.
Đổi mới xanh trong du lịch
Du lịch đã trở thành một trong những ngành quan trọng dẫn dắt sự tăng trưởng, phát triển kinh tế thế giới và quá trình chuyển đổi hướng đến một nền kinh tế xanh toàn diện.
Những thay đổi trong hoạt động du lịch không chỉ mang lại lợi ích bền vững cho ngành du lịch mà còn cho cả những ngành khác. Những đổi mới xanh trong du lịch đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao khả năng phục hồi của ngành, tăng cường khả năng cạnh tranh và cắt giảm chi phí. Không chỉ vậy, nó còn mang lại những lợi ích khác như tạo ra việc làm, cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, gia tăng lợi thế cạnh tranh cho các công ty và các điểm đến đồng thời cũng làm giàu thêm trải nghiệm du lịch cho du khách.
Đổi mới trong hoạt động du lịch sẽ tập trung vào nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và dịch vụ, xây dựng các kênh phân phối hiệu quả hơn và cách thức giải quyết những vấn đề phát sinh một cách kịp thời và chính xác hơn.
Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới, cần khắc phục những tồn tại sau: thiếu thông tin và tầm nhìn chiến lược dài hạn (nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ), thiếu sự phối hợp hành động giữa các đối tác trong ngành, khó khăn trong việc tìm kiếm vốn đầu tư ban đầu, khung chính sách chưa thực sự hỗ trợ cho đổi mới. Và các ngành cần phải chia sẻ kiến thức và phát triển mối liên kết chặt chẽ để thúc đẩy phát triển bền vững.
Du lịch vì một tương lai bền vững
Hai mươi năm sau Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất đầu tiên ở Rio de Janeiro, cộng đồng quốc tế lại tập trung ở đây để khẳng định cam kết về phát triển bền vững và giải quyết những thách thức mới nảy sinh. Hai chủ đề trung tâm của hội nghị này là: a)Một nền kinh tế xanh trong bối cảnh phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo và b)Khung thể chế cho phát triển bền vững.
Trong sáng kiến xanh của Liên Hợp Quốc, du lịch đã được xác định là một trong mười lĩnh vực có thể dẫn đắt quá trình chuyển đổi sang mô hình xã hội, kinh tế và môi trường mới. Nghiên cứu chung của UNEP và UNWTO chỉ ra rằng đầu tư vào du lịch thân thiện với môi trường có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, tạo việc làm và cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm thiểu suy thoái môi trường.
Trong hai thập kỷ qua, khách du lịch quốc tế đã tăng hơn gấp đôi, từ 433 triệu lượt năm 1991 lên 980 triệu lượt vào năm 2011. Năm 2012, sẽ có khoảng 1/7 dân số thế giới đi du lịch quốc tế và đến năm 2030 con số này được dự báo sẽ lên đến 1,8 tỷ.
Đây thực sự là những tín hiệu đáng mừng trước thực tế du lịch ngày càng mang lại nhiều cơ hội cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Ngày nay, du lịch đóng góp trực tiếp 5% GDP và hơn 1,1 nghìn tỷ USD trong kim ngạch xuất khẩu toàn cầu. Quan trọng hơn, du lịch đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm, đặc biệt là cho phụ nữ và thanh thiếu niên. Cứ 12 lao động trên thế giới thì có 1 người hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Trong thập kỷ qua, du lịch đã trở thành một công cụ quan trọng để xóa đói giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng môi trường bền vững và đóng góp vào thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs). Du lịch không chỉ mang lại lợi ích cho các nước phát triển và các điểm đến du lịch lâu đời mà còn cho cả các nước kém phát triển và đang phát triển bằng việc đóng góp khoảng 45% giá trị xuất khẩu dịch vụ của các nước này và đã trở thành một công cụ mạnh mẽ để giảm nghèo và phát triển kinh tế.
Mục tiêu
Sự kiện này sẽ mang đến cơ hội cho các quan chức cấp cao, đại diện các ngành, cơ quan tài trợ và các tổ chức phát triển thảo luận và đưa ra các khuyến nghị về giải pháp thúc đẩy vai trò của du lịch trong phát triển toàn cầu.
Các đại biểu sẽ thảo luận về những thách thức chính mà ngành du lịch đang đối mặt, hướng phát triển bền vững và cách thức đóng góp hiệu quả cho mục tiêu phát triển toàn cầu. Các cuộc thảo luận sẽ xem xét cách thức du lịch liên kết bảy vấn đề được đưa ra tại Hội nghị Rio+20 - việc làm, năng lượng, đô thị hóa, lương thực, nước, đại dương và thiên tai – để trở thành một công cụ mang lại sự thay đổi tích cực ở cả các nước phát triển và đang phát triển.
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu cũng sẽ bàn về tầm quan trọng của du lịch trong chương trình nghị sự phát triển toàn cầu trong thập kỷ tiếp theo và xa hơn nữa là tiềm năng của du lịch trong việc đóng góp tích cực vào sự chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế toàn cầu xanh hơn.
Trung tâm Thông tin du lịch