Thừa Thiên-Huế phát triển rừng ven biển và đầm phá

Cập nhật: 05/07/2012
Rừng ven biển và đầm phá luôn được tỉnh Thừa Thiên-Huế xác định có vai trò to lớn trong việc chắn cát, giảm thiểu ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái và các công trình hạ tầng trong vùng, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân.

Vì vậy, tỉnh phấn đấu đến năm 2015 sẽ  tiếp tục quản lý, bảo vệ 12.000ha rừng vùng cát ven biển, đầm phá; trồng mới các loại cây như keo, phi lao... trên diện tích 1.150ha và sẽ trồng ngay trong năm nay 5.000ha rừng tập trung, trên 400.000 cây xanh các loại.

Vùng đất ngập mặn ven phá Tam Giang và cửa sông Ô Lâu ở các xã Quảng Thái và Quảng Lợi, vùng cát ven biển và cát nội đồng ở các xã Quảng Công, Quảng Ngạn, Quảng Vinh, Quảng Lợi, Quảng Thái, thuộc huyện Quảng Điền có diện tích đất tự nhiên 14.160ha; trong đó đất lâm nghiệp 1.828ha.

Giai đoạn từ 2012-2015, huyện Quảng Điền đầu tư tổng nguồn vốn 14.300 triệu đồng, do ngân sách Trung ương cấp từ Chương trình Bảo vệ và Phát triển rừng bền vững, ngân sách tỉnh và huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác để trồng và chăm sóc khoảng 370ha rừng; trong đó trồng rừng ngập mặn ở các xã Quảng Thái, Quảng Lợi khoảng 150ha; rừng phòng hộ vùng cát ở các xã Quảng Vinh, Quảng Thái, Quảng Lợi khoảng 220ha và chăm sóc 30,2ha rừng đã trồng năm 2010 thuộc dự án 661.

Để bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học tại các cửa sông, cửa biển và vùng ven đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã trồng các loại cây sú, vẹt, đước và cây mắm tại vùng đầm Lập An thuộc thị trấn Lăng Cô, vốn là nơi sinh sống, cư ngụ của nhiều loài hải sản có giá trị. Xã Hương Phong (huyện Hương Trà) là một xã nhỏ nằm dọc theo vùng bờ biển Thừa Thiên-Huế, nơi có tới 2/3 ranh giới xã được bao bởi sông Hương và phá Tam Giang, tác động của thiên tai lên cuộc sống và hoạt động canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản rất lớn.

Được Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP- GEF/SGP) tài trợ, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn quản lý tài nguyên (CORENARM) đã thử nghiệm mô hình trồng rừng ngập mặn không tập trung; trồng các loài cây ngập mặn dọc đường đi, ranh giới của các hộ gia đình nuôi trồng thủy sản ở đây.

Với người dân thôn Thuận Hòa (xã Hương Phong) thì từ mùa xuân cho tới mùa hè là thời điểm thích hợp nhất để trồng, chăm sóc cây ngập mặn tại khu vực đất ngập nước ven phá Tam Giang. Vì lúc này thời tiết ấm hơn, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Thôn Thuận Hòa đã thành lập hội đoàn trồng 4.000m² rừng ngập mặn tại Cồn Tè với 2.200 loài cây gồm: bần, sú, mắm, đước; bảo vệ, phát triển 5ha rừng rú chá.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên-Huế đánh giá, từ những mô hình như ở xã Hương Phong và thị trấn Lăng Cô, hiện ở nhiều địa phương, người dân đã ý thức rõ hơn về vai trò của rừng ngập mặn, nên tích cực tham gia và ủng hộ việc trồng các loài cây ngập mặn.

Nguồn: Vietnam+