Khai mạc Hội nghị cấp cao LHQ về biến đổi khí hậu

Cập nhật: 25/09/2009
Ngày 22/9, Hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu đã khai mạc tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ dưới sự chủ trì của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon. Lãnh đạo 100 nước trên thế giới đã tham dự hội nghị với mục đích thổi luồng gió mới vào các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu vốn đang bế tắc.

Phát biểu trong phiên khai mạc hội nghị, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cảnh báo rằng việc không đạt được thỏa thuận rõ ràng về chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu ở Copenhagen, Đan Mạch tháng 12 tới, "sẽ không thể dung thứ được về khía cạnh đạo đức, thiển cận về kinh tế và thiếu thận trọng về chính trị".

Ông Ban Ki-moon dẫn kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Liên hợp quốc để nhấn mạnh đến những hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu, cho rằng thế giới chỉ có 10 năm để đảo ngược tiến trình biến đổi khí hậu, vốn đang đe dọa sự sống của các sinh vật trên Trái đất cũng như gây ra các thảm họa thiên nhiên ngày càng tồi tệ.

Việc Tổng Thư ký Ban Ki-moon tổ chức hội nghị về biến đổi khí hậu vào thời điểm 100 ngày trước Hội nghị Copenhagen nhằm đảm bảo các nước có thể đạt được thỏa thuận khung chống biến đổi khí hậu toàn cầu, thay thế Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn năm 2012.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết Mỹ quyết tâm chống tình trạng Trái đất ấm lên, song ông cảnh báo nguy cơ các cuộc đàm phán liên quan đến việc xây dựng khung thỏa thuận chống biến đổi khí hậu diễn ra dai dẳng.

Ông kêu gọi các nước đang phát triển chấp thuận những "biện pháp mạnh" làm tăng hi vọng về việc đạt được một thỏa thuận toàn cầu về cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đây là một trong những thay đổi chính sách của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Obama so với chính quyền cựu Tổng thống George Bush.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng có bài phát biểu tại hội nghị. Ông Hồ Cẩm Đào cam kết sẽ cắt giảm lượng khí thải cácbon điôxít của Trung Quốc đến năm 2020 so với mức của năm 2005, nhưng không đưa ra con số cụ thể.

Trong khi nhiều nước cam kết cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - nguyên nhân dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu, Trung Quốc và Ấn Độ lâu nay vẫn từ chối tham gia Nghị định thư Kyoto với lý do các nước giàu phải chịu trách nhiệm về vấn đề này.

* Một kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu thuộc Trường Đại học Colorado Hoa Kỳ đăng trên báo Nature Geoscience ngày 20-9 cho biết, có đến 85% của 33 bình nguyên rộng lớn nhất thế giới đã bị lụt lội trầm trọng suốt thập niên vừa qua, làm hư hại 260.000km² đất canh tác, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. 

Nguồn: TTXVN/SGGP