Đó là điều mà người dân cảm nhận, nhận xét về công tác chỉ đạo của thành phố trong 5 năm qua. Bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, hướng tới phát triển bền vững là tư tưởng chủ đạo, chi phối việc xây dựng nhiều cơ chế chính sách phát triển của thành phố. Dù còn nhiều khó khăn nhưng với những giải pháp hiệu quả, công tác bảo vệ môi trường thành phố có sự chuyển biến quan trọng.
Từng bước hoàn thiện công tác quản lý
Tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày môi trường thế giới 5-6-2009, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh: Hải Phòng là thành phố cảng, cửa ngõ hướng biển của vùng Đông Bắc, nơi tập trung các hoạt động phát triển như khu công nghiệp, khu chế xuất, các hoạt động dịch vụ và đô thị hóa, sản xuất nông nghiệp, du lịch biển-đảo, nuôi trồng thủy sản và hàng hải,…Cho nên, hơn bất cứ địa phương nào, Hải Phòng cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề môi trường phát sinh, vấn đề biển, đảo…
Chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm sâu sát của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố trong việc chủ động, nắm bắt kịp thời, chỉ đạo quyết liệt để giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách, đặc biệt là việc chủ động ứng phó, phòng, chống, khắc phục ảnh hưởng thiên tai, bão lũ và sự cố môi trường, quản lý tốt các khu bảo tồn thiên nhiên,…góp phần tích cực vào phát triển bền vững kinh tế-xã hội.
Quả vậy, thời gian qua thành phố triển khai những giải pháp quan trọng, nhằm định hướng sự phát triển toàn xã hội theo hướng bền vững. Như ban hành Chỉ thị số 24 của Thành uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Chiến lược bảo vệ môi trường giai đoạn 2000-2010, Nghị quyết 22 về bảo vệ môi trường nhằm thực hiện nội dung bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên trong quy trình hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội… Thành phố thành lập Ban chỉ đạo về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường thành phố đến năm 2020.
Nhiều văn bản pháp quy về lĩnh vực bảo vệ môi trường theo hướng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rõ người, rõ việc, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ môi trường được xây dựng: Chương trình hành động của UBND thành phố thực hiện Nghị quyết 22 của Thành ủy với 47 chương trình hành động cụ thể đối với từng sở, ngành, địa phương, các chỉ thị về việc tăng cường kiểm soát, xử lý việc vận chuyển trái phép chất thải, chất thải; nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước; đề cương đề án "Điều tra các yếu tố kinh tế - xã hội cơ bản tác động đến môi trường tại Khu du lịch Đồ Sơn và quần đảo Cát Bà” với kinh phí gần 500 triệu đồng; mới đây nhất là quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản... Đặc biệt, năm 2010, vấn đề bảo vệ môi trường được chọn là chủ đề hành động của năm nhằm thu hút, tập trung sự quan tâm của cộng đồng dành cho công tác bảo vệ môi trường.
Huy động nhiều nguồn lực
Trong điều kiện khó khăn về tài chính, để cải thiện chất lượng môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên và phòng, chống ô nhiễm, những năm qua, thành phố huy động nhiều nguồn nội lực và sự hỗ trợ của quốc tế, chủ trương đa dạng hoá nguồn tài trợ tiến hành hàng loạt công trình cấp, thoát nước, xử lý chất thải rắn. Hàng loạt công trình nạo vét, cải tạo hồ ao, kênh mương trong khu đô thị được tiến hành. Tỷ lệ chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường vượt mức 1% theo quy định. Ngân sách chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường năm 2007 là 126,54 tỷ đồng, tăng 125% so với năm 2006; năm 2008 chi gần 98 tỷ đồng. Ưu tiên đầu tư nghiên cứu cơ bản, ứng dụng công nghệ mới về bảo vệ môi trường quan trọng như điều tra thống kê chất thải, xử lý chất thải, hỗ trợ hoạt động tái chế, xử lý, chất thải, hỗ trợ xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; quản lý khu dự trữ sinh quyển và bảo vệ rừng; xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý thông tin dữ liệu về môi trường; quản lý hệ thống quan trắc, phân tích môi trường. Thành phố tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng cơ chế phát triển sạch hơn và chương trình tiết kiệm năng lượng với mức hỗ trợ bình quân 30-50 triệu đồng/doanh nghiệp cho hơn 19 doanh nghiệp và hỗ trợ nhiều doanh nghiệp khác.
Hệ thống quan trắc môi trường do Trung tâm quan trắc môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý tiếp tục được đầu tư với 11 trạm quan trắc cố định, 12 trạm quan trắc mặt nước được đặt tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao như các khu công nghiệp; 1 phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO-EEC/17025.
Đẩy nhanh phát triển nhưng vẫn bảo đảm bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên là bài toán khó không chỉ với thành phố mà của chung nhiều quốc gia. Với những nỗ lực và sự quan tâm đặc biệt, thành phố từng bước giải quyết hài hòa mục tiêu giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.