Luật Đa dạng sinh học (ĐDSH) được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 3 thông qua năm 2008. Đây là văn bản pháp lý có hiệu lực pháp lý cao nhất trong lĩnh vực quản lý nhà nước về ĐDSH ở nước ta hiện nay. Qua 6 năm thực hiện Luật ĐDSH và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, ĐDSH của Việt Nam đã có những chuyển biến đáng kể.
ThS. Trần Ngọc Hoa, Phó vụ trưởng Vụ KH,CN&MT, Văn phòng Quốc hội
Bài báo giới thiệu tóm tắt về quá trình và lợi ích của các khu bảo tồn đa dạng sinh học xuyên biên giới (TBPA) trên thế giới. Báo cáo giới thiệu tổng quan các mô hình hợp tác quốc tế về các khu bảo tồn đa dạng sinh học xuyên biên giới trên thế giới. TBPA là khu vực trên đất liền hoặc trên biển có hai hoặc nhiều đường biên giới giữa các quốc gia, có vai trò giữ gìn đa dạng sinh học, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa địa phương, được hợp tác quản lý thông qua luật pháp hoặc các chính sách khác trên qui mô song phương hay đa phương. Lợi ích của TBPA nhằm cải thiện trong quan hệ và công tác bảo tồn đa dạng sinh học quốc tế, thực thi các công ước và điều ước quốc tế về môi trường, về biển. Có một số mô hình TBPA thành công ở các vùng tranh chấp của nhiều quốc gia được gọi Công viên hòa bình. Bài báo có đề xuất định hướng sơ bộ xác lập 11 khu vực TBPA cho Việt Nam với 7 khu trên đất liền và 4 khu trên biển.
Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Bộ TNMT
Đa dạng sinh học có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội và môi trường tại Việt Nam, là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực; duy trì nguồn gen vật nuôi, cây trồng; cung cấp các vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu, dược liệu. Tuy nhiên trong những năm gần đây, đa dạng sinh học Việt Nam đang đối mặt với nhiều mối đe dọa: Việc gia tăng dân số và mức tiêu dùng, thay đổi phương thức sử dụng đất, xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, sự du nhập của các loài ngoại lai xâm hại, ô nhiễm môi trường và những tác động của biến đổi khí hậu... Báo cáo này, chúng tôi sẽ trình bày về hiện trạng đa dạng sinh học của Việt Nam để từ đó đưa ra các vấn đề ưu tiên trong quản lý đa dạng sinh học tại nước ta trong giai đoạn sắp tới.
TS. Phạm Anh Cường, Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường
Đến nay, quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) biển ở Việt Nam chưa được tiến hành theo đúng nghĩa của nó. Song, những nỗ lực vừa qua trong việc áp dụng cách tiếp cận của quy hoạch không gian biển (MSP) với công cụ phân vùng chức năng biển (MFZ) để phân vùng ĐDSH biển, để xác định các khu vực biển có tiềm năng bảo tồn cao, để quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển quốc gia đến năm 2020 và để xây dựng kế hoạch phân vùng quản lý từng khu bảo tồn biển sau phê duyệt, đã cung cấp những bài học cần thiết tiến tới quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH biển ở Việt Nam trong thời gian tới. Các kết quả bước đầu và các bài học như vậy được trao đổi trong bài báo này.
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Đại học Quốc gia Hà Nội